Sức mua sụt giảm, doanh nghiệp làm hàng Tết "đứng ngồi không yên"

27-12-2022 09:44|Thu Thảo

Tết Dương lịch 2023 đã cận kề, ngay sau đó là Tết Nguyên đán Quý Mão. Đây thường là giai đoạn mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm khi hàng Tết đã được bày bán khá nhiều tại các hệ thống bán lẻ, tuy vậy sức mua vẫn có phần trầm lắng.

Tại Hà Nội, đại diện Sở Công Thương cho biết, việc chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết đã hoàn tất. Ước tính tổng giá trị hàng hóa Tết đạt khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% so với kế hoạch phục vụ Tết năm ngoái. Các doanh nghiệp tại TP.HCM đã chuẩn bị hơn 30.000 tấn hàng hóa, tăng 15 - 30% so với năm 2021. Trong đó, hàng hóa của doanh nghiệp bình ổn thị trường chiếm 25 - 43%. Các doanh nghiệp này cũng cam kết không điều chỉnh tăng giá một tháng trước Tết và sau Tết.

Dự đoán tổng lượng hàng hóa dịp Tết sẽ tăng 30 - 50%, nhiều doanh nghiệp thực phẩm đã chuẩn bị kỹ, tính toán dự trù nguồn hàng từ các trang trại. Một số doanh nghiệp thực phẩm cho biết, họ đã chuẩn bị lượng hàng hóa lên đến 250 - 300% để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài làm việc với nhà cung cấp để chuẩn bị lượng hàng thiết yếu, các nhà phân phối cũng dự đoán và chuẩn bị đa dạng thêm các chủng loại thường được tiêu thụ nhiều dịp Tết Nguyên đán.

Trong khi các nhà sản xuất và cung ứng đang lên kế hoạch dự trữ hàng hóa thì các hệ thống bán lẻ cũng bước vào “cuộc đua” bán hàng Tết. Triển khai chương trình khuyến mại Tết từ ngày 8/12, đồng thời đưa lên kệ mẫu giỏ quà Tết, Saigon Co.op ước tính, năm nay hệ thống này sẽ tuyển từ 1.000 - 2.000 nhân sự thời vụ để phục vụ những ngày cao điểm. Tương tự, phía hệ thống siêu thị MM Mega Market cũng đã lên kế hoạch trưng bày hàng Tết từ ngày 15/12 để người tiêu dùng linh hoạt sắp xếp thời gian mua sắm. Các siêu thị như Coopmart, Winmart… cũng tung ra nhiều chính sách giảm giá nhiều mặt hàng Tết.

mua-sam-dip-tet.jpg

Tuy nhiên, các siêu thị đều “nín thở” chờ đợi sức mua của người dân. Điều mà nhiều nhà bán lẻ lo lắng là biến động thị trường từ cuối quý 3 đến nay. Sức mua đang có dấu hiệu chững lại, cùng với thông tin người lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập do đơn hàng xuất khẩu giảm... Do đó, các nhà sản xuất và phân phối sẽ phải đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, thậm chí nhiều nhóm hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận nhằm đảm bảo kế hoạch tiêu thụ đề ra trước đó.

Dẫn nguồn từ Zingnews, ông Bùi Thanh Tùng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido kiêm Tổng giám đốc CTCP Dầu thực vật Tường An cũng đánh giá người tiêu dùng sẽ dè dặt hơn trong chi tiêu do những biến động của kinh tế thế giới và thị trường trong nước.

Dù vậy, ông cho rằng những sản phẩm thiết yếu như dầu ăn sẽ được cân nhắc để mua sắm nhiều hơn. "Dự kiến sản lượng dầu ăn mà chúng tôi tung ra thị trường Tết 2023 sẽ tăng 15% so với năm ngoái", ông chia sẻ.

Bí quyết chi tiêu khi dịp Tết: Mua sắm đủ, tiết kiệm đúng

Cao điểm mua sắm cuối năm: Cơ hội vàng cho hàng Việt trên các sàn TMĐT

Bài thuộc chủ đề Dịch vụ, Bán lẻ
Theo Kiến Thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/suc-mua-sut-giam-doanh-nghiep-lam-hang-tet-dung-ngoi-khong-yen-163837.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sức mua sụt giảm, doanh nghiệp làm hàng Tết "đứng ngồi không yên"
    POWERED BY ONECMS & INTECH