T&T đề xuất tổ hợp đô thị sân bay, công nghiệp hàng không gần 11.000ha tại tỉnh là giao điểm 2 miền Nam - Bắc
Đây là đề xuất của Tập đoàn trong buổi kiểm tra của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đối với hai dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy và Cảng hàng không Quảng Trị.
Chiều 27/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đã kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm tại tỉnh Quảng Trị, gồm Khu bến cảng Mỹ Thủy và Cảng hàng không Quảng Trị.
Tại dự án Cảng hàng không Quảng Trị , chủ đầu tư cho biết công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 91%, tương ứng 241,3/265,3ha. Phần diện tích còn lại (24,1ha) liên quan đến công tác tái định cư, hiện địa phương đang đẩy nhanh xây dựng khu tái định cư, dự kiến hoàn thành bàn giao trong quý III.
Về thi công, dự án đã hoàn tất các hạng mục như sân đỗ máy bay, đường công vụ, nhà điều hành, trạm trộn bê tông xi măng, khu phụ trợ và hệ thống thoát nước.

Các hạng mục khu phục vụ mặt đất, nhà ga hành khách và đài kiểm soát không lưu đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công đồng loạt trong tháng 5.
>> Cao tốc 14.000 tỷ do liên danh Đèo Cả thực hiện tại Đông Bắc Bộ có chuyển động mới
Riêng đường cất hạ cánh và sân quay đầu đang chờ thẩm định và sẽ được triển khai thi công trong quý II với mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án và đưa vào khai thác vào tháng 7/2026.
Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn T&T Group đề xuất điều chỉnh quy hoạch, xây dựng tổ hợp công nghiệp hàng không - logistics - dịch vụ - thương mại - đô thị sân bay tại Quảng Trị với tổng diện tích hơn 10.800ha.
Đánh giá cao tiến độ thực hiện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mới của tỉnh Quảng Trị.
Ông đề nghị tỉnh tính toán kỹ lưỡng việc kết nối hạ tầng giao thông, hình thành tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, kết nối sân bay với cảng biển, đường sắt, cao tốc... Đồng thời, cần tận dụng lợi thế sân bay để thúc đẩy phát triển du lịch biển, dịch vụ, quy hoạch vùng phụ cận bài bản nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
Dự án Cảng hàng không Quảng Trị có quy mô 265ha, tập trung tại các xã Gio Mai, Gio Hải, Gio Quang (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Dự án khởi công vào tháng 7/2024, với tổng mức đầu tư cho hai giai đoạn hơn 5.830 tỷ đồng.
Dự án Cảng hàng không Quảng Trị được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), do liên danh Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Giao thông T&T và Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 thực hiện. Khi hoàn thành, sân bay sẽ đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), có khả năng tiếp nhận tàu bay code E và sân bay quân sự cấp II.
Dự án dự kiến đáp ứng nhu cầu khai thác khoảng 5 triệu lượt hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm. Đây sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải, đồng thời đảm bảo tính cơ động trong quốc phòng, an ninh, cứu hộ - cứu nạn cho khu vực tỉnh Quảng Trị nói riêng và miền Trung nói chung.
Đối với dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy , các thủ tục pháp lý cho giai đoạn 1 đã hoàn tất, chuẩn bị thi công; hồ sơ pháp lý cho các giai đoạn tiếp theo đang được hoàn thiện.
Theo kế hoạch, bến số 1 sẽ vận hành vào tháng 12/2025, bến số 2 vào quý I/2026 và toàn bộ các bến thuộc giai đoạn 1 hoàn thành trong năm 2027.
Để phát huy hiệu quả Khu bến cảng Mỹ Thủy, tỉnh Quảng Trị kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư tuyến Quốc lộ 15D nối cảng với Cửa khẩu quốc tế La Lay trong năm 2025. Đồng thời, đề nghị đẩy nhanh thẩm định, phê duyệt điều chỉnh ranh giới và quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị nhằm thu hút đầu tư và khai thác tối đa tiềm năng cảng biển.

Kiểm tra tại dự án, Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của chủ đầu tư và đơn vị thi công, yêu cầu phối hợp chặt chẽ với địa phương để tổ chức quy hoạch đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, logistics, từ đó giảm chi phí vận hành và tăng sức hấp dẫn đầu tư.
>> Tỉnh dự kiến sáp nhập với thành phố giàu nhất Việt Nam sẽ có đặc khu sau sắp xếp
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu phát triển Khu bến cảng Mỹ Thủy theo mô hình “cảng xanh”, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đảm bảo thân thiện với môi trường.
Ông lưu ý, việc phát triển Khu bến cảng Mỹ Thủy cần hướng tới mô hình cảng biển xanh, thông minh, gắn liền với hệ thống hạ tầng hiện đại, kết nối hiệu quả với hành lang kinh tế Đông - Tây.
Dự án cảng khu bến cảng Mỹ Thủy (tỉnh Quảng Trị) nhằm đầu tư xây dựng và kinh doanh khu bến cảng chuyên dùng phục vụ chủ yếu cơ sở công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, kết hợp thu hút lượng hàng hóa quá cảnh cho Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, bảo đảm tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 100.000 tấn.
Tổng vốn đầu tư là 14.234 tỷ đồng trong đó, vốn góp của nhà đầu tư để thực hiện dự án là 2.143 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ được thực hiện từ năm 2018 - 2025 với 4 bến, tổng vốn đầu tư 4.946 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu 750 tỷ đồng.
Dự án đã được khởi công giai đoạn 1 vào ngày 27/2/2020. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thi công xây dựng.
Kết thúc buổi làm việc, Phó Thủ tướng khẳng định, đây là những công trình có ý nghĩa lịch sử đối với Quảng Trị, mở ra cơ hội lớn để địa phương thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường kết nối vùng, khu vực.
Quảng Trị là một tỉnh nằm ở dải đất miền Trung, nơi chuyển tiếp giữa hai miền địa lý Bắc - Nam của Việt Nam. Nơi đây có cây cầu Hiền Lương lịch sử bắc qua sông Bến Hải. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cầu Hiền Lương chính là vùng biên giới chia cắt Việt Nam thành 2 miền dọc theo vĩ tuyến 17.
Năm nay, đô thị đặc biệt Việt Nam sẽ có thêm 15 dự án nhà ở thương mại, quy mô hơn 160.000 căn
Thành phố đáng sống nhất Việt Nam sắp đấu thầu hàng loạt khu đô thị