Tác dụng bất ngờ của những loại rau có vị đắng, ăn quen thấy ngon
Nhiều người không thích ăn rau có vị đắng. Tuy vậy, đa phần rau đắng chứa nhiều vitamin, khoáng chất, hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch, tiểu đường, giảm stress.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3 chia sẻ về tác dụng của một số loại rau có vị đắng và lưu ý khi chế biến:
Rau cần tây
Theo Đông y, cần tây có vị ngọt đắng, tính mát, dùng được toàn cây, có nhiều tác dụng như: mát gan, cải thiện thần kinh, mát phổi cầm ho, trừ phong thấp, cầm máu, giải độc.
Thành phần chủ yếu của cần tây là nước (gần 95%). Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cần tây là nguồn cung cấp vitamin K dồi dào.
Cần tây cũng có thể giúp bạn có đủ folate, kali, chất xơ và molypden, chứa một lượng nhỏ vitamin C, vitamin A và một số vitamin B, có ít calo, carbohydrate, chất béo và cholesterol.
Tuy nhiên, người bị suy thận, người huyết áp thấp, phụ nữ mang thai nên hạn chế dùng nước cần tây.
Rau đắng
Rau đắng có tính bình, không độc. Đông y quy rau đắng vào hai kinh vị và bàng quang, có tác dụng chống viêm chống tiêu chảy và trị mụn nhọt, giải độc.
Thành phần của loại rau này chứa khoảng 0,35% hoạt chất tanin, catotin, ancaloit đường, ngoài ra còn có vitamin C và một số dưỡng chất khác. Rau đắng có thể cải thiện tình trạng về da (mề đay, ghẻ ngứa), giúp giảm stress, cải thiện sỏi thận, giảm tình trạng táo bón.
Tuy nhiên, phụ nữ đang mang thai cần nhớ rau đắng có thể làm co thắt tử cung hoặc kích thích quá trình đông máu gây ảnh hưởng đến thai nhi. Người đang sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc tuyến giáp nên tránh ăn loại rau này, người có cơ địa dạ dày yếu cũng nên hạn chế.
Khổ qua (mướp đắng)
Theo Đông y, khổ qua có vị đắng, lạnh. Quả và hạt đều có thể dùng làm thuốc, điều trị các trường hợp bị sốt, nóng mất nước, viêm đường niệu, sỏi đường niệu, mụn nhọt, đau mắt, giúp hạ đường huyết, giảm cholesterol máu, làm sáng da, trị mụn nhọt vùng da...
Quả khổ qua chứa glycozit đắng (momordixin, charantin), hỗn hợp các chất thuộc nhóm stigmastadienol; protid, acid amin, lipid, một số vitamin và muối khoáng... Ngoài ra, còn chứa các chất alkaloid như quinin và morodicine, nhựa và saponin glycoside, có thể là nguyên nhân gây ra chứng khó dung nạp ở một số người.
Lưu ý, không nên xào khổ qua ở nhiệt độ quá cao, sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng. Người huyết áp thấp hay đang dùng thuốc hạ đường huyết cần thận trọng khi sử dụng lượng nhiều. Người bị bệnh gan, thận, người thiếu men G6PD (loại men đóng vai trò trong chuyển hóa hồng cầu) không nên ăn khổ qua.
Rau má
Theo Đông y, rau má  có vị ngọt hơi đắng, tính mát, tác dụng hạ sốt, giải độc, lợi tiểu... Thành phần dinh dưỡng chính của rau má gồm: nước, tinh bột, chất xơ, vitamin C, vitamin B1, canxi, phốt pho, sắt, beta caroten.
Rau má có tác dụng chống lão hóa, dưỡng ẩm và làm đẹp da, bảo vệ tế bào thần kinh, chồng trầm cảm, giảm lo âu và điều trị mất ngủ, cải thiện sức khỏe.
Tuy nhiên, uống nước rau má quá nhiều như uống nước lọc sẽ khiến bạn bị đầy bụng, tiêu chảy, tình trạng nghiêm trọng hơn với người có thân nhiệt thấp hay bị lạnh bụng. Ăn quá nhiều loại rau này sẽ gây ra nhức đầu, choáng váng, giảm khả năng mang thai và tăng nguy cơ sảy thai.
Lưu ý, nước rau má có thể tương tác với các thuốc gây buồn ngủ và thuốc chống co giật, barbiturat, benzodiazepin, thuốc trị mất ngủ và các thuốc chống trầm cảm, giảm hiệu quả của insulin chích, thuốc tiểu đường loại uống và các thuốc hạ cholesterol.