Tăng trưởng 2025: Niềm tin của người dân và doanh nghiệp đã được củng cố
Về các động lực của nền kinh tế, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng với sự phục hồi của cả ba động lực chính gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, nền kinh tế bước vào 2025 với vị thế vững vàng, thuận lợi và tâm lý lạc quan hơn năm trước. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp đã được củng cố. Lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp đà tăng, với 157.240 đơn vị, nhiều ngành nghề phục hồi.
Quan trọng hơn cả là chất lượng tăng trưởng
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng  ít nhất 8% và tăng hai con số trong điều kiện thuận lợi.
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và tăng hai con số trong điều kiện thuận lợi. (Ảnh: TTXVN) |
Bình luận về điều này, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nhận định tăng trưởng  ít nhất 8% trong năm tới, thậm chí hai chữ số ở các năm tiếp theo là mục tiêu tham vọng.
“Tăng trưởng cao tạo động lực mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển. Nhờ đó, Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình  và tiến tới vị thế là quốc gia phát triển, thu nhập cao theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB)”, ông Bình khẳng định.
Để đạt điều này, ông Bình cho rằng chúng ta cần tăng trưởng bình quân ở mức 6-6,5% liên tục trong hai thập niên tới. Tức là, GDP những năm tới cần tăng ở mức 8-9%.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng điều quan trọng vẫn là tính liên tục, bền vững trong dài hạn và chất lượng của tăng trưởng. Kinh tế tăng trưởng cao là cần thiết, nhưng cũng đi kèm rủi ro cần kiểm soát, như lạm phát, nợ công, bong bóng trong lĩnh vực bất động sản, tài chính.
Tăng trưởng cao nhưng cần đảm bảo nguyên tắc bất biến là ổn định vĩ mô, chất lượng quản trị công, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa và nền kinh tế.
Về các động lực của nền kinh tế, ông Bình cho rằng với sự phục hồi của cả ba động lực chính gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, nền kinh tế bước vào 2025 với vị thế vững vàng, thuận lợi và tâm lý lạc quan hơn năm trước. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp đã được củng cố. Lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp đà tăng, với 157.240 đơn vị, nhiều ngành nghề phục hồi.
“Nhưng mục tiêu tăng trưởng cao vẫn là thách thức, buộc Việt Nam phải chắt chiu, nỗ lực từng cơ hội. Các động lực tăng trưởng truyền thống cần được làm mới, gia tăng sức mạnh. Chúng ta cũng cần đột phá lớn hơn về đổi mới sáng tạo, công nghệ và mở rộng các không gian tăng trưởng mới về kinh tế số - xanh - tuần hoàn”, ông Bình khẳng định.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Để tạo động lực cho tăng trưởng, ông Bình cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công.
Theo ông Bình, 2025 đánh dấu giai đoạn cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, với tổng vốn đầu tư hơn 790.000 tỷ đồng. Những năm qua, đầu tư công đóng vai trò là một động lực rất quan trọng của nền kinh tế.
“Giải ngân vốn công được cải thiện, nhưng vẫn cần đẩy mạnh và nhanh hơn nữa. Một đồng vốn đầu tư công được giải ngân trong quý I sẽ tạo ra ý nghĩa kinh tế lớn hơn nhiều so với khi nó được chi vào quý cuối năm. Bởi dòng tiền càng sớm đưa vào nền kinh tế, càng có cơ hội quay vòng và thúc đẩy tăng trưởng cao hơn”, ông Bình nói.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. |
Cũng theo vị chuyên gia, tăng trưởng đến từ đầu tư công sẽ mạnh mẽ hơn, nếu nó lôi kéo và kích thích đầu tư tư nhân, tạo sức mạnh tổng lực cho nền kinh tế mà không gây áp lực lên ngân sách và nợ công.
“Bên cạnh đó, tăng trưởng từ đầu tư có thể được làm mới bằng cách đồng vốn rót vào các công trình trọng điểm, tạo ra không gian phát triển mới. Việc này hỗ trợ đắc lực cho kinh tế chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng mới”, ông Bình nói.
Tuy vậy, ông Bình cũng cho rằng dù kinh tế 2025 có nhiều yếu tố thuận lợi hơn so với trước đây, nhưng cũng đứng trước những thách thức không nhỏ. Sẽ không có chỗ cho tâm lý chủ quan. Linh hoạt, chủ động vẫn là một trong những nguyên tắc cơ bản trong điều hành.
“Việt Nam cần tiếp tục phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ để kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như tăng hiệu quả phân bổ, sử dụng nguồn lực qua phát triển thêm các loại thị trường vốn, bất động sản an toàn”, ông Bình nói.
Cuối cùng, ông Bình cho rằng chúng ta cần duy trì tinh thần không lùi bước trước khó khăn, kiên trì đổi mới và tìm kiếm, mở rộng không gian động lực tăng trưởng mới.
“Tinh thần này sẽ tiếp sức cho nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn để xây dựng nền kinh tế thịnh vượng, vững chắc trên bản đồ kinh tế thế giới”, ông Bình khẳng định.
>>Kinh nghiệm từ các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc, Nhật Bản 
Giải ngân gần 800.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2025: Có khả thi? 
FDI và đầu tư công: Cú hích lớn cho kinh tế Việt Nam năm 2025