Tăng tỷ lệ điểm học bạ trong xét tốt nghiệp THPT: Con dao 'hai lưỡi'?
Hướng tăng tỷ lệ điểm học bạ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT lên thành 50% từ năm 2025 mà Bộ GD-ĐT dự kiến đem đến nhiều ý kiến trái chiều. Chuyên gia cho rằng đây là ‘con dao hai lưỡi’ khi có thể tiếp tục tạo đà cho việc ‘lạm phát’ điểm học bạ.
Trong dự thảo thông tư mới về quy chế thi tốt nghiệp THPT  từ năm 2025, Bộ GD-ĐT dự kiến tăng tỷ lệ điểm học bạ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT, thay vì chiếm 30% như hiện nay sẽ lên thành 50%. Không chỉ vậy, kết quả quá trình học tập sẽ được lấy ở cả lớp 10, 11 và 12, thay vì chỉ lớp 12 như trước nay.
Theo Bộ GD-ĐT, điều chỉnh này nhằm đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời tăng hiệu quả đạt mục tiêu kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nhiều ý kiến cho rằng, với thay đổi này, các cơ sở giáo dục đại học có thể dễ quyết định sẽ ưu tiên, dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Vũ Khắc Ngọc (một thầy giáo ở Hà Nội) cho rằng, với thực trạng điểm học bạ có vẻ như được “nâng lên” như hiện nay, việc tăng tỷ lệ điểm học bạ trong xét tốt nghiệp sẽ là "cứu cánh" để vừa duy trì tỷ lệ tốt nghiệp cao vừa tăng độ khó của bài thi tốt nghiệp THPT.
“Trong trường hợp này, các trường đại học nếu thực sự chú trọng chất lượng đầu vào có thể giảm hẳn tỷ lệ xét tuyển bằng học bạ, ưu tiên xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực/đánh giá tư duy... Việc tăng tỷ lệ xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ góp phần hạn chế bất bình đẳng, thiếu công bằng giữa các phương thức xét tuyển như hiện nay”, ông Ngọc nói.
Ông Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT dù theo chương trình phổ thông cũ hay mới vẫn duy trì 2 mục tiêu: xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ cho các trường xét tuyển đại học.
Theo ông, có một số ý kiến cho rằng, kỳ thi này chỉ là kỳ thi tốt nghiệp, nên cho đề dễ để đánh giá và duy trì tỷ lệ tốt nghiệp cao ở học sinh cuối cấp; còn việc tuyển sinh do các trường đại học tự chủ thực hiện. Tuy nhiên, điều này dẫn đến hệ quả là trường đại học "nở rộ" các phương thức tuyển sinh: xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp các chứng chỉ chuẩn hoá (ví dụ IELTS/SAT...), xét tuyển kết hợp học bạ, xét tuyển dựa trên kì thi đánh giá năng lực/đánh giá tư duy, rồi cuối cùng mới xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT.
"Thực tế, điểm học bạ có thể được các thầy cô, nhà trường 'nới lỏng' và trở nên không còn thực chất. Học sinh có điều kiện về kinh tế thường cũng được 'ôn luyện' nhiều hơn qua các kỳ thi IELTS, SAT... hay kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... vì vậy cơ hội trúng tuyển sớm cao hơn. Trong khi, các trường xét tuyển theo phương thức khác, điểm trúng tuyển của phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp sẽ bị đẩy lên cao; cơ hội vào được trường đại học tốt của học sinh vùng sâu, vùng xa hoặc các em có hoàn cảnh khó khăn sẽ trở nên xa vời. Điều này rõ ràng gây mất công bằng trong giáo dục”, ông Công phân tích.
Tuy nhiên, ông Công cho rằng, để điểm thi tốt nghiệp THPT là căn cứ tin cậy cho các trường đại học yên tâm sử dụng tuyển sinh, cần xây dựng đề thi có mức độ phân hoá tốt. “Đề thi đó phải phân hoá đồng đều được từng mức độ thí sinh dựa trên kiến thức thực chứ không phụ thuộc vào yếu tố may rủi. Đề thi phân hóa là đề tránh được tình trạng đỉnh của phổ điểm ở mức 8 điểm, bởi khi đó khoảng 8-10 điểm là quá ngắn để phân hoá được thí sinh (kéo theo yếu tố may rủi trở nên lớn hơn và dễ dẫn tới ‘lạm phát’ điểm chuẩn trúng tuyển vào đại học)”, ông Công nói.
Theo ông Công, khi đề thi tốt nghiệp THPT trở nên khó hơn, phân hoá hơn phải có một cách thức để hỗ trợ các thí sinh chỉ cần tốt nghiệp. “Tôi cho rằng việc tăng tỷ lệ lấy điểm học bạ từ 30% lên 50% là một biện pháp thích hợp. Tuy nhiên, nó cũng là ‘con dao hai lưỡi’ khi có thể tiếp tục tạo đà cho việc ‘lạm phát’ điểm học bạ. Do đó, cần có các công cụ kiểm tra, đánh giá để đảm bảo độ chính xác của kết quả giáo dục trong nhà trường”, ông Công nói.
- Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cách tính điểm xét tốt nghiệp đối với học sinh THPT như sau:
Điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN) = {(Tổng điểm 4 bài thi tốt nghiệp THPT + tổng điểm khuyến khích)/4 x 7 + điểm trung bình cả năm lớp 12 x 3}/10 + điểm ưu tiên.
- Còn theo dự kiến của Bộ GD-ĐT trong dự thảo thông tư mới về quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, cách tính có thể sẽ như sau:
ĐXTN* = {(Tổng điểm các bài thi tốt nghiệp THPT + tổng điểm khuyến khích)/4 x 5 + điểm trung bình 3 năm THPT x 5}/10 + điểm ưu tiên.
(*) là cách tính VietNamNet tạm giả định để độc giả dễ hình dung trong việc điều chỉnh tăng tỷ lệ điểm học bạ được sử dụng trong xét công nhận tốt nghiệp THPT từ 30% lên 50%.