Là doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực bất động sản, mới đây, Tập đoàn FLC của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết vừa tiếp tục đề xuất thêm loạt dự án lớn.
Ngày 18/3/2022, tại huyện Củ Chi, TP. HCM, CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) đã có đề xuất nghiên cứu đầu tư 2 dự án là Công viên Sài Gòn Safari với quy mô hơn 456 ha và Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn có quy mô hơn 910 ha.
Liên tục "đề xuất"...
Cụ thể, dự án Công viên Sài Gòn Safari tọa lạc tại 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, thuộc khu vực Tây Bắc của thành phố. Dự án bao gồm 5 phân khu gồm Khu dịch vụ tổng hợp, khu resort nghỉ dưỡng và khách sạn đẳng cấp 5 sao, khu vườn thú mở, khu Safari, khu công viên vui chơi giải trí tổng hợp.
Trong kế hoạch, nhiều hạng mục cao cấp lần đầu xuất hiện tại Củ Chi sẽ được quy hoạch như: Công viên chủ đề theo mô hình Disneyland, vườn thú mở, khu Safari, công viên nước, khu trò chơi mạo hiểm, khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao,… phục vụ nhu cầu đa dạng từ vui chơi giải trí đến nghỉ dưỡng sinh thái.
Với dự án Khu đô thị Nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn, dự án này có quy mô hơn 910 ha tại xã An Phú và xã Phú Mỹ Hưng. Dự án được định hướng phát triển theo tiêu chí sinh thái nghỉ dưỡng, kết hợp cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện trạng.
Hai dự án do FLC đề xuất sẽ hình thành một Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí kết hợp đô thị đầy đủ tiện ích, giúp bổ sung hạ tầng du lịch cũng như hạ tầng đô thị đồng bộ cho Củ Chi, góp phần thúc đẩy kế hoạch đưa Củ Chi trở thành thành phố trực thuộc trong giai đoạn 2020 – 2030.
Trước đó ngày 9/2/2022, cũng tại TP. HCM, Tập đoàn FLC đã đề xuất xây dựng Khu phức hợp Smart Eco City ở huyện Bình Chánh với quy mô 1.200 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng với điểm nhấn là tòa tháp cao 99 tầng.
Điểm lại một số đề xuất lớn của FLC thời gian gần đây, hồi tháng 2/2022, Tập đoàn FLC đã có văn bản đề xuất tham gia hợp tác nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt Viêng Chăn (Lào) - Vũng Áng (Hà Tĩnh). Đây là một trong những dự án trọng điểm được lãnh đạo hai nước quan tâm.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ cùng với tuyến Mụ Giạ - Viêng Chăn (Lào) có chiều dài 550 km trong đó chiều dài trên lãnh thổ Việt Nam đoạn từ Vũng Áng đến cửa khẩu Việt – Lào là 119 km.
Xa hơn, hồi đầu năm 2019, Tập đoàn FLC cũng đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội, đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư một khu phức hợp sân vận động, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí có quy mô lớn dự kiến khoảng 25.000 tỷ đồng, nằm tại một trong các khu vực thuộc huyện Đông Anh, Mê Linh hoặc Sóc Sơn.
Được biết, dự án khu phức hợp nói trên dự kiến có hạng mục chính là cụm công trình liên hợp thể thao, với điểm nhấn trung tâm là một sân vận động có sức chứa 100.000 chỗ ngồi - được thiết kế có mái che để đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải đấu quốc tế lớn, với mục tiêu trở thành sân vận động lớn và hiện đại nhất thế giới, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 25.000 tỷ đồng.
Nằm trong dự án còn có các hạng mục cụm sân golf liên hoàn; đường đua công thức 1; cụm khách sạn, resort tiêu chuẩn 5 sao; khu liên hợp đa phương tiện phục vụ các hội nghị quốc tế; khu dịch vụ vui chơi giải trí; khu trung tâm thương mại - tài chính; tổ hợp các khu chăm sóc sức khoẻ kết hợp nghỉ dưỡng (bệnh viện nghỉ dưỡng); khu trại hè quốc tế tập trung kết hợp các hoạt động giáo dục, vui chơi khoa học dành cho trẻ em; trường đua ngựa và vườn thú; công viên chủ đề và quảng trường trung tâm; khu mua sắm tập trung theo mô hình outlet,... Tổng diện tích dự án khoảng từ 1.000 đến 2.000 ha.
Tại thời điểm đó, Tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết cũng nhấn mạnh, các hạng mục này sẽ bố trí quy hoạch trong tổng thể hài hoà, kết nối đồng bộ về hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật khác với các khu vực dự án lân cận, đặc biệt là khu vực sân bay Nội Bài.
Doanh nghiệp "khổng lồ" - Lợi nhuận "mini"
Về sức khỏe doanh nghiệp, theo báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán, Tập đoàn FLC ghi nhận doanh thu thuần 6.772 tỷ đồng trong năm 2021 - giảm một nửa so với năm trước.
Đến nay, nguồn thu lớn nhất của FLC là bán hàng hóa, thành phẩm,… chiếm gần 3.800 tỷ đồng. Kế đến là mảng bất động sản với đóng góp vào khoảng 2.145 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh thu dịch vụ chỉ là 944 tỷ đồng - giảm 80% so với năm ngoái do ngành hàng không gặp khó khăn.
Ở thời điểm hiện tại, tập đoàn đang sở hữu 21,7% vốn tại hãng hàng không Bamboo Airways. Giá gốc khoản đầu tư vào Bamboo Airways là 4.015 tỷ đồng nhưng giá trị hợp lý hiện chỉ còn 3.514 tỷ đồng. Do đó, FLC đang lỗ hơn 500 tỷ đồng từ Bamboo Airways.
Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế FLC năm 2021 xấp xỉ 84 tỷ đồng - giảm 73% so với năm 2020.
Như vậy, so với kế hoạch là 15.250 tỷ doanh thu và 880 tỷ LNST, FLC năm qua chỉ thực hiện được khoảng 45% chỉ tiêu doanh thu và vỏn vẹn 9,5% chỉ tiêu lợi nhuận.
Từ mức độ uy tín của FLC đến tính khả thi trong kế hoạch doanh thu năm 2022 gần 27.000 tỷ 
Bước sang năm 2022, FLC đặt mục tiêu doanh thu 27.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 2.100 tỷ đồng - đây là kế hoạch kinh doanh tham vọng nhất trong lịch sử tập đoàn của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.
Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của FLC là hơn 33.787 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đóng góp hơn 9.700 tỷ đồng - tương đương khoảng 29%.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, với tình hình tài chính ở thời điểm hiện tại cũng như lùm xùm từ vụ việc Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết bán chui gần 75 triệu cổ phiếu hồi đầu tháng 1/2022 (uy tín lãnh đạo), liệu có bao nhiêu đề xuất dự án sẽ được Tập đoàn này hiện thực hóa?