Tập đoàn FPT có thể rót hàng tỷ USD vào Nhà máy AI, tự tin 'so găng' cùng Google và Microsoft
Nhà máy AI của FPT tạo sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh bằng cách cung cấp không chỉ cơ sở hạ tầng mà còn các giải pháp giá trị gia tăng. Giá thuê của FPT cạnh tranh, ngang bằng các đối tác Nhật Bản và thấp hơn nhiều so với Google và Microsoft.
Trong tháng 11, Tập đoàn FPT (HoSE: FPT ) đã chính thức ra mắt Nhà máy trí tuệ nhân tạo (Nhà máy AI hay AI Factory) tại Việt Nam, với mức chi phí đầu tư dự kiến 200 triệu USD. Trước đó, Nhà máy AI của FPT đã được giới thiệu tại thị trường Nhật Bản, thể hiện cam kết trong chiến lược phát triển AI có chủ quyền tại quốc gia này.
Việc xây dựng Nhà máy AI của FPT nhận được sự hỗ trợ từ các tập đoàn công nghệ toàn cầu, bao gồm NVIDIA, SCSK, ASUS, Hewlett Packard Enterprise, VAST Data và DDN Storage. Đáng chú ý, NVIDIA chỉ hợp tác với ba công ty trong khu vực APAC: một ở Malaysia, một ở Indonesia và FPT, đảm bảo tính độc quyền và giảm thiểu sự cạnh tranh giữa các đối tác.
VNDirect Research tổng hợp |
Trong phân tích mới đây, VNDirect Research nhận định, FPT tạo sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh bằng cách cung cấp không chỉ cơ sở hạ tầng mà còn các giải pháp giá trị gia tăng như mô hình AI đã được huấn luyện sẵn, kiểm tra và hoàn thiện mô hình AI. Thêm vào đó, giá thuê của FPT cạnh tranh, ngang bằng với các đối tác Nhật Bản và thấp hơn nhiều so với các gã khổng lồ toàn cầu như Google và Microsoft. Những yếu tố này giúp FPT có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường dịch vụ AI.
Nhật Bản có tiềm năng lớn cho các dịch vụ AI khi tỷ lệ áp dụng AI thấp nhất trong số các quốc gia G7, Singapore và Trung Quốc. Chi tiêu cho AI cũng tương đối khiêm tốn và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm từ 2019 đến 2023 chậm nhất trong nhóm này. Covid-19 đã làm gián đoạn các dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng của Nhật Bản, khiến các trung tâm đổi mới sáng tạo và khu công nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài.
Chính phủ Nhật Bản đã triển khai gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ Yên (12,8 tỷ USD) nhằm khuyến khích đầu tư vào công nghiệp bán dẫn và AI, phản ánh tham vọng phục hồi vị thế dẫn đầu trong các thị trường này. Theo nghiên cứu của Dimension, thị trường AI tạo sinh của Nhật Bản có giá trị 1.400 tỷ USD năm 2024 và dự kiến tăng lên 25.800 tỷ USD vào năm 2033, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 38%. Sự tăng trưởng này sẽ thúc đẩy nhu cầu gia tăng đối với cơ sở hạ tầng AI như nhà máy AI.
VNDirect Research tổng hợp |
FPT chia sẻ rằng dịch vụ này ban đầu sẽ cung cấp cho khách hàng bằng các hợp đồng theo năm. Sau đó, thời gian hợp đồng sẽ được rút ngắn để cải thiện tỷ lệ sử dụng, có thể dẫn đến doanh thu cao hơn. Dự án dự kiến đạt biên EBIT (thu nhập trước thuế và lãi vay) từ 20 - 25% và biên EBITDA (thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao) 75%.
Theo FPT, giai đoạn 1 của Nhà máy AI trị giá 100 triệu USD dự kiến ra mắt đầu năm 2025. Nếu điều kiện thị trường thuận lợi, FPT có kế hoạch triển khai giai đoạn 2 trong vòng 1 - 2 tháng. Với nhu cầu hiện tại vượt quá nguồn cung, VNDirect Research kỳ vọng FPT sẽ đầu tư thêm 100 triệu USD vào năm sau, có khả năng tạo ra doanh thu từ 70 - 100 triệu USD cho Nhà máy AI. Khi công suất sử dụng được nâng cao, doanh thu có thể đạt 120 triệu USD.
Xét đến việc AI còn ở giai đoạn đầu và nhu cầu về cơ sở hạ tầng vẫn cao, VNDirect Research kỳ vọng FPT có thể mở rộng đầu tư vào các nhà máy AI lên tới hàng tỷ USD, tương tự các đối thủ cạnh tranh khác.
Hình ảnh bên trong Nhà máy AI của FPT |
Chiến lược "săn cá voi" của FPT
Trong mảng công nghệ thông tin (CNTT), FPT đang đứng trước cơ hội khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, tạo ra kỳ vọng về một chính sách cắt giảm thuế tương tự như Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm năm 2017 (TCJA). Điều này có thể thúc đẩy mạnh mẽ chi tiêu cho CNTT. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ làm tăng lợi nhuận, cung cấp cho các doanh nghiệp nhiều vốn hơn để đầu tư vào các sáng kiến tăng trưởng. Điều này dự kiến sẽ thúc đẩy các khoản đầu tư cao hơn vào CNTT khi các công ty ưu tiên hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng tính cạnh tranh trong môi trường kỹ thuật số ngày càng phát triển.
Gần đây, FPT đã thiết lập một kỷ lục mới với hợp đồng trị giá 225 triệu USD từ một khách hàng tại Mỹ, củng cố vai trò của mình như một đối tác chiến lược lâu dài sau năm năm hợp tác. Đây là hợp đồng lớn nhất của FPT cho đến nay, đánh dấu một cột mốc quan trọng khi công ty chuyển đổi mô hình đối tác từ Time and Materials (T&M) sang Dịch vụ Quản lý. Dự án kéo dài ba năm này sẽ có sự tham gia của hơn 1.000 chuyên gia phần mềm làm việc tại các trung tâm giao hàng onshore, nearshore và offshore của FPT Software. Dự án dự kiến sẽ tạo ra doanh thu khoảng 75 triệu USD mỗi năm. Thỏa thuận này nhấn mạnh vị thế ngày càng mạnh mẽ của FPT trên thị trường Mỹ, chứng minh cam kết, sự linh hoạt và khả năng thích ứng với nhu cầu thay đổi của khách hàng.
FPT dự định tiếp tục chiến lược “săn cá voi” của mình bằng cách tập trung vào việc bán thêm cho các khách hàng hiện tại trong khi tích cực mở rộng cơ sở khách hàng. Cách tiếp cận hai mũi nhọn này nhằm làm sâu sắc mối quan hệ với các khách hàng lớn thông qua các dịch vụ được cải thiện, đồng thời mở rộng tầm với thị trường để thúc đẩy tăng trưởng.
>> Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cảnh báo: 75% công việc sẽ biến mất vào năm 2030