Theo báo cáo tài chính, nợ phải trả của Sông Đà (SJG) đến ngày 30/9 ở mức 16.677 tỷ đồng trong đó có tới 8.940 tỷ đồng nợ vay tài chính.
Tổng CTCP Sông Đà (Mã SJG) thông báo vừa mua lại trước hạn toàn bộ 350 tỷ đồng trái phiếu mã SJGH2123001 phát hành ngày 6/12/2021, kỳ hạn 24 tháng. Theo đó, SJG không còn dư nợ trái phiếu.
Tài sản bảo đảm của lô trái phiếu này bao gồm 14.280.000 cổ phần sở hữu tại CTCP ĐT&PT điện Sê San 3A; 3.723.600 cổ phần sở hữu tại CTCP Sông Đà 11; hoặc thỏa thuận nhà đầu tư.
Trường hợp sau khi phát hành tỷ lệ bảo đảm an toàn của tài sản bảo đảm thấp hơn 220% tại bất cứ thời điểm xác định lại giá trị tài sản bảo đảm thì tổ chức phát hành cam kết bổ sung cổ phần thuộc sở hữu của Tổng Công ty Sông Đà tại CTCP Điện Việt Lào tương ứng với giá trị còn thiếu.
Nguồn trả nợ để thanh toán gốc và lãi trái phiếu bao gồm nguồn thu từ thoái vốn tại CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS) hoặc thoái vốn tại các đơn vị thành viên; dòng tiền hoạt động kinh doanh; cổ tức được chia từ đầu tư vốn tại các công ty con.
Theo báo cáo tài chính, tính đến cuối quý 3/2022, tổng tài sản của SJG ghi nhận mức 25.490 tỷ đồng trong đó tiền mặt - tương đương tiền và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ghi nhận ở mức 4.300 tỷ đồng qua đó giúp công ty thu về hàng trăm tỷ đồng kể từ đầu năm.
Các khoản phải thu ngắn hạn giảm 17% so với thời điểm đầu năm về còn 6.175 tỷ. Mặc dù vậy, khoản dự phòng khoản phải thu khó đòi lại tăng phi mã từ 334 tỷ đồng lên 1.859 tỷ đồng.
Ngoài ra, SJG cũng có khoản dự phòng đầu tư tài chính dài hạn tăng gần 4,3 lần đầu năm lên mức 112,5 tỷ đồng trong khi không con ghi nhận các khoản trích lập giảm giá đối với hàng tồn kho.
Nợ phải trả của công ty đến ngày 30/9 ở mức 16.677 tỷ đồng trong đó có tới 8.940 tỷ đồng nợ vay tài chính. Riêng khoản vay khổng lồ này đã lớn hơn quy mô vốn chủ sở hữu của Tổng Sông Đà (chỉ đạt 8.810 tỷ) và khiến công ty chịu tới hơn 472 tỷ đồng chi phí lãi vay kể từ đầu năm.
Ghi nhận tại thuyết minh báo cáo tài chính kỳ này, Tổng Sông Đà có tổng cộng 19 công ty con nắm giữ trực tiếp và gián tiếp trong đó nhiều doanh nghiệp đang niêm yết hoặc giao dịch trên sàn chứng khoán như Thủy điện Cần Đơn (Mã SJD), Sông Đà 3 (Mã SD3), Sông Đà 6 (Mã SD6), Sông Đà 9 (Mã SD9), Sông Đà 10 (Mã SDT),...
Nhiều doanh nghiệp trong số này thường ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực; một số cổ phiếu thậm chí nằm trong diện cảnh báo, kiểm soát, bị cắt margin trên các sàn giao dịch,...
Cổ đông thiểu số chịu lỗ trăm tỷ đồng, Tổng Sông Đà (SJG) muốn thoái vốn tại 23 doanh nghiệp 
SP2: 10 năm không cổ tức, một cổ đông lớn rời đi tay không