Tết Quý Mão 2023 nên hoá vàng ngày nào?

22-01-2023 23:02|Minh Ngọc

Lễ hóa vàng còn gọi là lễ đưa tiễn ông bà, lễ hóa vàng cho Tổ tiên hay lễ tạ năm mới.

Trước ngày Tết Nguyên đán, các gia đình thường thực hiện nghi thức mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết với con cháu, gia đình. Do đó khi Tết kết thúc, cần thực hiện lễ hóa vàng để đưa tiễn ông bà, tổ tiên. Chính vì thế, lễ hóa vàng còn được gọi là lễ đưa tiễn ông bà. Vào ngày ấy, con cháu đốt tiền vàng để các cụ chi tiêu ở dưới âm phủ.

Theo GS sử học Lê Văn Lan, tục hoá vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn với đời sống thường nhật, để thấy con người ở thế giới bên kia sống gần với dương gian.

Bên cạnh đó, lễ hóa vàng cũng chính là lễ đón thần tài, tài lộc về với gia đình, hy vọng một năm làm ăn thuận lợi, hanh thông.

Trước đây, lễ hóa vàng thường được thực hiện vào ngày mùng 3 hoặc mùng 7 Tết (khai hạ). Tuy nhiên ngày nay tùy theo vùng miền, địa phương, lễ này có thể diễn ra từ mùng 3 tới mùng 10 tháng Giêng, có những gia đình con cháu đi sớm thì cúng vào mùng 2.

Tết Quý Mão 2023 hóa vàng ngày nào chuẩn?

Theo chuyên gia phong thủy, ngày tổ chức lễ hóa vàng không cố định mà tùy thuộc vào mỗi gia đình. Thường người ta thực hiện vào ngày mùng 3 Tết. Tuy nhiên, lễ hóa vàng còn được tiến hành từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 10 Tết tùy theo thời gian thuận tiện và ngày đẹp trời, hợp mệnh với chủ nhà. Thông thường, các gia đình sẽ chọn ngày mùng 3 để thực hiện lễ cúng hóa vàng hết Tết.

Nhiều gia đình cẩn trọng trong việc thờ cúng thậm chí còn chọn ngày tốt để hóa vàng với mong muốn mang lại sự hanh thông, may mắn nhất cho gia đình mình trong năm mới.

Năm 2023, các gia đình có thể làm lễ hóa vàng vào ngày mùng 3, mùng 4, mùng 5 và mùng 8 tháng Giêng.

Dưới đây là giờ đẹp hóa vàng Tết Quý Mão 2023 giúp gia chủ mọi sự hanh thông:

  • Mùng 3 Tết, ngày 3/1 âm lịch (tức thứ Ba, ngày 24/1 dương lịch): Giờ Quý Mão (5h-7h), giờ Bính Ngọ (11h-13h), giờ Mậu Thân (15h-17h), giờ Kỷ Dậu (17h-19h).
  • Mùng 4 Tết, ngày 4/1 âm lịch (tức thứ Tư, ngày 25/1 dương lịch): Giờ Mão (5h-7h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Thân (15h-17h), giờ Dậu (17h-19h).
  • Mùng 5 Tết, ngày 5/1 âm lịch (tức thứ Năm, ngày 26/1 dương lịch): Giờ Mão (5h-7h), giờ Tỵ (9h-11h), giờ Thân (15h-17h), giờ Tuất (19h-21h).
  • Mùng 8 Tết, ngày 8/1 âm lịch (tức Chủ Nhật, ngày 29/1 dương lịch): Giờ Thìn (7h-9h), giờ Tỵ (9h-11h), giờ Thân (15h-17h), giờ Dậu (17h-19h).
Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tet-quy-mao-2023-nen-hoa-vang-ngay-nao-166731.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Tết Quý Mão 2023 nên hoá vàng ngày nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH