Tham vọng dài hạn ở Nam Cực của Trung Quốc là gì?
Trung Quốc đang tìm cách thay đổi cán cân ảnh hưởng ở Nam Cực theo hướng có lợi cho mình trong bất kỳ cuộc đàm phán lại nào về vấn đề lãnh thổ ở Nam Cực trong tương lai.
Tàu chở hàng Thiên Huệ khởi hành từ Trương Gia Cảng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 1/11/2023, để tham gia sứ mệnh thám hiểm Nam Cực. Ảnh: THX |
Theo nhận định của Benjamin J. Sacks, nhà nghiên cứu chính sách tại tập đoàn RAND, Giáo sư địa lý-chính trị tại Trường Cao học Pardee RAND và Peter Dortmans, nhà nghiên cứu cấp cao tại tập đoàn RAND chi nhánh ở Australia, việc mở căn cứ giám sát Qinling của Trung Quốc  gần đây, trạm thứ ba ở Nam Cực, đã khiến một số nhà quan sát Australia và Mỹ lo lắng. Những lo ngại của họ cho thấy có lẽ đã đến lúc Australia phải đánh giá rõ tham vọng ở Nam Cực của Trung Quốc một cách rõ ràng hơn và có phản ứng tốt hơn.
Qinling là căn cứ đầu tiên của Trung Quốc nằm giáp biển Ross, phía nam Australia và New Zealand, gần căn cứ McMurdo của Mỹ. Cơ sở giám sát vệ tinh này của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại từ phương Tây. Qinling có thể trở thành một nút khác trong mạng định vị BeiDou của quân đội Trung Quốc và được sử dụng để giám sát thông tin liên lạc của Australia và New Zealand.
Một số tuyên bố của chính Bắc Kinh đã củng cố những lo ngại này, với tài liệu Khoa học Chiến lược Quân sự của Học viện Quốc phòng Trung Quốc nói rằng “các vùng ở cực bắc và nam đã trở thành một hướng quan trọng cho lợi ích của Trung Quốc để mở rộng ra nước ngoài và các vùng biên giới xa xôi, cũng như đặt ra những vấn đề, nhiệm vụ mới trong việc sử dụng sức mạnh quân sự của Trung Quốc”.
Tiến sĩ Elizabeth Buchanan, chuyên gia nghiên cứu về chiến lược và địa chính trị, học giả cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) cũng lưu ý rằng luật kết hợp quân-dân sự của Chính phủ Trung Quốc yêu cầu “tất cả các hoạt động nghiên cứu dân sự phải có ứng dụng hoặc tiện ích quân sự cho Trung Quốc, điều giúp mở rộng dấu chân ở Nam Cực của Trung Quốc”.
Một nghiên cứu của tập đoàn RAND năm 2023 thừa nhận những rủi ro quân sự tiềm tàng do các hoạt động ở Nam Cực của Trung Quốc gây ra, mặc dù chỉ ra rằng các quan chức Trung Quốc đã khẳng định sự tôn trọng của họ đối với Hiệp ước Nam Cực năm 1959 và các nghị định thư liên quan, được gọi chung là Hệ thống Hiệp ước Nam Cực. Ví dụ, Nghị định thư Madrid đã cấm khai thác ở Nam Cực và Trung Quốc là một bên ký kết.
Vậy tham vọng lâu dài của Trung Quốc ở Nam Cực là gì? Chuyên gia Buchanan lập luận rằng Bắc Kinh đang tìm kiếm “quyền lên tiếng” về các vấn đề ở khu vực Nam Cực và đây có thể là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi cán cân ảnh hưởng ở Nam Cực theo hướng có lợi cho họ trong bất kỳ cuộc đàm phán lại nào về vấn đề lãnh thổ ở Nam Cực trong tương lai.
Những nỗ lực này dường như được thúc đẩy chủ yếu bởi kinh tế, đặc biệt là liên quan đến đánh bắt và khai thác nhuyễn thể. Cùng với Nga, đội tàu đánh bắt thủy hải sản của Trung Quốc - lớn nhất thế giới - đang nhanh chóng mở rộng năng lực khai thác nhuyễn thể, triển khai các tàu dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học (trong các khu nghiên cứu nhuyễn thể) mà cuối cùng sẽ khai thác nhiều nhuyễn thể hơn mức cho phép ở Nam Cực.
Trong khi đó, Trung Quốc đã nhiều lần từ chối các khu vực bảo vệ biển mới và có khả năng sẽ tiếp tục phát triển ngành đánh hải sản sinh lợi của họ. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chống lại nỗ lực của các bên ký kết khác nhằm kiềm chế tham vọng đánh bắt thủy hải sản của mình.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn tiến hành khai thác khoáng sản ở Nam Cực, mặc dù là một bên ký kết Nghị định thư Madrid năm 1991, cấm các hoạt động như vậy. Một số chuyên gia cho rằng trong tương lai, Trung Quốc có thể phát triển các công nghệ khai thác tiên tiến nhằm đón đầu khả năng đàm phán lại các nghị định thư vào năm 2048, thời điểm nước này có thể tìm cách hợp pháp hóa một số hình thức khai thác.
Cho rằng bất kỳ bên ký kết nào cũng có thể kêu gọi đàm phán lại Hiệp ước Nam Cực, có vẻ như Bắc Kinh đang chờ đợi thời cơ trong khi đa dạng hóa sự hiện diện ở Nam Cực. Theo lý do này, các hành động gần đây của Trung Quốc, bao gồm cả việc mở trạm Qinling, nhằm đặt mình vào vị thế mạnh nhất có thể trước bất kỳ thay đổi nào đối với Hiệp ước trên.
Các chuyên gia Sacks và Dortmans kết luận, do những bất ổn về tương lai địa chính trị của Nam Cực, bằng chứng là mối lo ngại ngày càng tăng đối với các hoạt động và tham vọng trong khu vực của Trung Quốc, có lẽ đã đến lúc Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cần thành lập văn phòng các vấn đề Nam Cực của riêng mình. Một văn phòng như vậy có thể chịu trách nhiệm thiết lập chiến lược và các tình huống dự phòng trong tương lai của Australia, tư vấn cho Chính phủ Australia để thực hiện quan điểm chính thức, cũng như đàm phán và xây dựng sự đồng thuận quốc tế với các đồng minh và đối tác.