Dù có sự hồi phục trong tháng 7/2022 nhưng thị trường chứng khoán vẫn có khá nhiều nhịp giằng co trong biên độ hẹp. Những nhịp rung lắc này đã khiến loạt cổ phiếu "bay màu" trong khi tài sản của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp "bốc hơi" mạnh.
Sau 3 tháng biến động tiêu cực, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự hồi phục tốt trở lại vào tháng 7/2022.
Kết phiên giao dịch ngày 31/7, VN-Index đứng mức 1.206,33 điểm - tăng 8,73 điểm (0,73%) so với tuần trước; HNX-Index cũng tăng 10,93 điểm (3,94%) lên 288,61 điểm; UPCoM-Index tăng 1,03 điểm (1,16%) lên 89,61 điểm.
Tuy nhiên, thanh khoản tiếp tục đi xuống so với tháng trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 13.783 tỷ đồng/phiên - giảm 22,5% trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm 23% xuống mức 12.243 tỷ đồng.
Dù có sự hồi phục trong tháng 7 nhưng xu hướng chính của thị trường là tích lũy đi lên với những nhịp giằng co trong biên độ hẹp.
Tính chung trên toàn thị trường, CLM của Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất với mức tăng 179% lên 89.300 đồng.
Mới nhất, công ty vừa báo doanh thu quý II/2022 tăng đột biến 6.154 tỷ đồng - gấp 7,7 lần cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế 273 tỷ đồng - gấp 37 lần cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, chỉ có CKG của Tập đoàn Tư vấn Đầu tư & Xây dựng Kiên Giang là mã hiếm hoi ghi nhận đà tăng mạnh với thanh khoản cao. Động lực tăng của cổ phiếu này cũng được cho là đến từ kết quả kinh doanh quý II tích cực sau khi doanh nghiệp báo lợi nhuận sau thuế đạt 70 tỷ đồng - tăng 75% YoY.
Ở chiều ngược lại, top cổ phiếu giảm giá mạnh nhất thị trường trong tháng 7/2022 đều thuộc nhóm thanh khoản rất thấp và thuộc hai sàn HNX hay UPCoM như CFV, TBR, DXL,...
Xét riêng nhóm vốn hóa lớn, các cổ phiếu trong top 50 vốn hóa toàn thị trường cũng ghi nhận sự phân hóa rất mạnh với có 27 mã tăng và 22 mã giảm. Tại chiều tăng, VGI của Viettel Global ghi nhận mức tăng hơn 35%; VIB của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam cũng tăng gần 24%. Phía giảm mạnh nhất, DGC của Hóa chất Đức Giang rớt gần 23,4%; MWG của Đầu tư Thế giới di động cũng mất 14,7% giá trị.
Trong bối cảnh này, giá trị tài sản của các tỷ phú trên sàn chứng khoán cũng ghi nhận những biến động mạnh.
Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán lời/lỗ thế nào?
Theo thống kê trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Phát Đạt (Mã PDR - HOSE) là người duy nhất có mức tăng tài sản. Trong khi đó ông Phạm Nhật Vượng là người đánh mất nhiều nhất với tận 20.500 tỷ đồng (-13%).
Với mức giảm tương tự, vợ của ông Vượng là bà Phạm Thu Hương hiện nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá 10.900 tỷ đồng - giảm 1.600 tỷ đồng so với đầu tháng 7.
Chủ tịch Sunshine Group kiêm Phó Tổng Giám đốc KienLongBank Đỗ Anh Tuấn đã lấy lại vị trí thứ 2 với khối tài sản trị giá 34.250 tỷ đồng - giảm nhẹ 70 tỷ đồng trong tháng.
Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh hiện đang đứng thứ ba trong danh sách này với khối tài sản trị giá 33.415 tỷ đồng - giảm 1.700 tỷ đồng so với đầu tháng 7.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan (Mã MSN - HOSE) ghi nhận mức giảm 1.800 tỷ đồng còn 32.900 tỷ đồng.
Dù giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát đã hãm được đà lao dốc nhưng Chủ tịch Trần Đình Long vẫn bị đẩy xuống vị trí thứ 5 khi tài sản còn 32.600 tỷ đồng - giảm 1.200 tỷ đồng.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, cũng đã trở về vị trí thứ 6 sau khi tài sản “bốc hơi” 1.000 tỷ đồng về còn 32.100 tỷ đồng.
Người duy nhất ghi nhận mức tăng về giá trị tái sản trong tháng qua là Chủ tịch PDR Nguyễn Văn Đạt khi có thêm 265 tỷ đồng qua đó nâng giá trị tài sản lên 17.500 tỷ đồng.
4 cổ phiếu ngân hàng cùng vượt đỉnh trong phiên 27/12, VN-Index chiếm cao điểm 1.275 
Cổ phiếu Hoàng Huy (TCH) về sát giá trị sổ sách, chờ bứt phá với loạt dự án BĐS sắp bàn giao