Thành phố duy nhất trên thế giới nằm ở giữa hai lục địa: Từng là thủ đô của nhiều đế chế hùng mạnh, được ví như ‘ngã tư của nền văn minh Đông - Tây’
Nằm ở vị trí địa lý vô cùng đặc biệt, thành phố này không chỉ nổi tiếng bởi sự kết nối giữa hai lục địa mà còn bởi sự độc đáo trong văn hóa, kiến trúc.
Istanbul là thành phố duy nhất trên thế giới nằm trên 2 châu lục. Nó được ví như một người lính tiền trạm của Thổ Nhĩ Kỳ , đứng sừng sững ở hai bờ phía nam eo biển Bosphorus, đầu gối lên châu Âu, chân duỗi vào châu Á. Bước lên phía tây là châu Âu, lui về phía đông là châu Á.
Từng nhiều lần ‘đổi chủ’
Theo lịch sử, vào thế kỷ 7 TCN, người Mecca thống trị bán đảo Aisia Minor và bán đảo Bangan. Thống soái của người Mecca chuẩn bị xây dựng thành phố mới ở Thraki thuộc phía đông nam của bán đảo Bangan. Nhưng ngay lúc chuẩn bị cử hành nghi lễ chọn đất, thì trên trời xanh bỗng xuất hiện con chim ó sà xuống và gắp vật cúng tế mang đến góc biển Bosphorus. Viên thống soái cho rằng đó là ý trời, bèn bỏ kế hoạch xây thành ở đây và xây một thành mới ở bờ Tây, nơi con chim ó hạ cánh.
Vài thế kỷ sau đó, nơi đây đã vài lần đổi chủ, lần lượt bị Macedonia và đế quốc La Mã  chiếm giữ, đồng thời vị trí của nó ngày càng trở nên quan trọng vì là cửa ngõ của Địa Trung Hải và Tây Á. Năm 330, đế quốc La Mã định đô ở Bychan và đặt tên kinh đô này bằng chính tên của mình. Vì trong nội thành cũng có 7 gò đồi, tương tự với “Thành phố bảy đồi” của La Mã nên nơi đây được gọi là Tân La Mã.
Năm 395, đế quốc La Mã phân chia thành hai bộ phận Đông và Tây. Constantine trở thành thủ phủ của đế quốc La Mã Đông. Từ đó đến hơn nghìn năm về sau, nơi đây trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Địa Trung Hải. Năm 1453, người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm lĩnh và đổi tên thành Istanbul, đồng thời dời thủ đô của Osman về đây. Đến năm 1923, cộng hoà Thổ được thành lập, thủ đô được rời về Ankara. Istanbul tuy không còn là thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ nữa nhưng nó vẫn là thành phố và cảng lớn nhất của quốc gia này.
Những công trình đặc biệt tại ‘Thủ đô văn hóa châu Âu’
Istanbul được coi là Thủ đô văn hóa  của Châu Âu năm 2010 và vào năm 2012, trở thành 1 trong 5 thành phố du lịch hấp dẫn nhất thế giới và thu hút hàng nghìn lượt du khách mỗi năm.
Nhắc đến Istanbul không thể không nhắc đến thánh đường Blue Mosque, hay còn gọi là nhà thờ Hồi giáo Sultan Ahmed hoặc thánh đường xanh. Đây vốn là một trong những biểu tượng lâu đời nhất của Istanbul, đến mức, nhiều du khách vừa đặt chân xuống quảng trường Sultan Ahmed đã vội túm tay bất kỳ ai hỏi: "Blue Mosque ở đâu?".
Blue Mosque cũng là địa điểm nhận dạng cho bất cứ du khách nếu lỡ lạc đường với đặc trưng "cứ nhìn lên trời thấy chóp tháp lừng lững chọc trời, được bao quanh bởi những ngọn cây cao vút" như lời người bản xứ. Nhà thờ này được xây dựng từ năm 1609 -1616 và nạm trang trí bằng 20.000 mảnh sành. Bên trong nhà thờ là mái vòm trung tâm cao 43m cùng hàng vạn chi tiết trang trí tinh xảo.
Kế đến là bảo tàng Hagia Sophia, một công trình kiến trúc quan trọng ở Istanbul mà hoàng đế La Mã Justinianus đã dày công đầu tư. Ban đầu, vào năm 536, đây là thánh đường của Thiên Chúa giáo Đông phương nhưng nhà chinh phạt Mehmet đã đổi nó thành nhà thờ Hồi giáo vào năm 1453. Đến năm 1935, tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mustafa Kema Ataturk tuyên bố đây là một bảo tàng lịch sử. Hagia Sophia được coi là một trong những công trình còn sót lại của phong cách kiến trúc Byzantine. Đó là những bức khảm bằng vàng ở giữa giáo đường, mái vòm hình tròn, cột cẩm thạch, các bức tường được trang trí đầy hoa văn, biểu tượng tinh xảo… khiến bất cứ ai bước vào cũng ngây ngất.
Từng xuất hiện trong bộ phim về điệp viên 007 - "From Russia with love", Basilica Cistern thu hút hầu hết du khách khi đến Thổ Nhĩ Kỳ với tên gọi "Thành phố dưới lòng đất". Đây là công trình cung cấp nước cho cư dân Istanbul kể từ thế kỷ VI và đã từng bị lãng quên trong vài thế kỷ trước khi được khai thác trở lại như một địa điểm du lịch. Công tâm thì nơi đây không có gì đặc biệt về mặt thị giác bởi 336 cây trụ cùng những ánh đèn leo lét bên trong. Nhưng nếu đặt ở bối cảnh những cây cột trụ được trang trí bằng gương mặt quỷ Medusa lộn ngược, do người La Mã cổ xây dựng thì bất cứ ai cũng phải trầm trồ thán phục.
Eo biển Bosporus như một cánh cửa lớn và Istanbul chính là chiếc chìa khoá để mở cánh cửa đó. Istanbul nằm trấn giữ điểm trọng yếu và xưa nay vẫn là miếng mồi ngon của giới quân sự. Nếu chiếm được Istanbul thì coi như đã giữ được chiếc chìa khoá vào Bắc Hải. Istanbul đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng nối liền Âu - Á, là trạm cuối cùng và trạm khởi hành của hai chuyến tàu đến từ Paris và Tây Á nên còn được gọi là “Chiếc cầu Âu - Á”.
Istanbul từng là điểm dừng quan trọng trên “Con đường tơ lụa” để đi đến La Mã nên được mệnh danh là “Ngã tư của nền văn minh Đông - Tây”. Thành phố mang đậm màu sắc Đông - Tây, với những ngôi nhà mái vòm đỏ và những mái nhà mang phong thái cổ của đạo Islam. Cạnh đó là những kiến trúc hiện đại lẫn trong những dãy tường cổ kính. Toàn thành phố trông như một cuốn sách lịch sử sống động với nhiều di tích. Nơi đây có mương máng và hồ nước ngầm thời đại La Mã, có giáo đường Hagia Sophia của thời Đông La Mã đế quốc, có đền thờ xanh của thời đế quốc Osman và cung điện nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Những nghịch lý tạo nên bản sắc
Ở Istanbul, du khách  không thấy sự vội vã náo nhiệt của châu Á nhưng cũng chẳng thấy được sự quy củ, hơi lạnh lùng của châu Âu. Đông đúc nhưng không bận rộn có lẽ là đặc điểm chung của thành phố này. Sáng sáng, đàn ông đổ ra đường hàn huyên với cốc trà nóng, họ sẵn sàng xin nghỉ việc một khoảng thời gian chỉ vì gặp một du khách lạc đường, muốn đến điểm nào đó.
Họ nhiệt tình? Có thể đúng hoặc không. Nhưng chắc chắn họ không bận rộn với cuộc sống đến mức tất bật như người châu Á. Họ cũng chẳng đủ "đuề huề" để có thể chậm rãi tận hưởng cuộc sống như người châu Âu. Họ vẫn bán buôn tấp nập, vẫn lém lỉnh để giành phần hơn trong thương mại. Thậm chí, người châu Âu còn truyền tai nhau rằng "người Thổ tinh quái nhất trong khu vực". Không rõ nhận định đó đến đâu nhưng chắc chắn du khách khi đến đây cũng sẽ cảm thấy ấn tượng hơn cả là cách họ xem trọng việc giáo dục trẻ nhỏ giá trị văn hóa lịch sử phong phú của đất nước mình.
Ở bảo tàng khảo cổ học Istanbul, điều thu hút du khách chính là những đoàn học sinh các cấp được đưa đến đây để thực nghiệm. Những đứa trẻ cấp một líu lo và thích thú với hàng triệu món đồ thuộc các thời đại khác nhau từ những nền văn hóa trên toàn thế giới. Những học sinh cấp hai chăm chú tìm hiểu về lịch sử qua các chú thích, hình 3D hay thậm chí là cả mô hình như con ngựa gỗ thành Troy. Những học sinh cấp ba có phần sao nhãng hơn bởi ở tầm tuổi này, chúng bị chi phối bởi nhiều chuyện khác nữa ngoài học tập. Nhưng hình ảnh những cậu nhóc, cô bé cấp ba nắm tay nhau tìm hiểu hình ảnh khắc họa trên những chiếc quan tài hay bàn luận rôm rả về xác ướp nữ hoàng Ai Cập cũng khiến du khách trầm trồ.
Tỉnh sắp có nhiều thành phố nhất Việt Nam thu hút 170 dự án FDI gần 12 tỷ USD 
Tỉnh miền Nam sở hữu một trong những vựa cây ăn trái lớn nhất cả nước sẽ có thêm 2 thành phố