Thành phố hơn 760 tuổi từng là đô thị lớn thứ 3 miền Bắc, được mệnh danh là 'đất học' sắp tăng diện tích gần gấp 3 lần
Đến năm 2030, thành phố này sẽ phát triển lên đô thị loại I – tương đương các thành phố lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Theo Quyết định 1729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch  tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Nam Định sẽ mở rộng địa giới thông qua việc sáp nhập toàn bộ huyện Mỹ Lộc và trở thành đô thị  loại I.
Cụ thể, đến năm 2025, TP Nam Định  sẽ phát triển lên đô thị loại II và đến năm 2030 lên đô thị loại I – tương đương các thành phố lớn như Hải Phòng , Đà Nẵng , Cần Thơ . Đây sẽ là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của tỉnh Nam Định và định hướng phát triển thành trung tâm của vùng nam đồng bằng sông Hồng .
Về các chỉ tiêu kinh tế, TP Nam Định đã hình thành 2/5 hành lang kinh tế quan trọng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực (kinh tế - kỹ thuật - đô thị và nông thôn) của tỉnh, bao gồm: hành lang quốc lộ 10 (TP Nam Định - Cao Bồ), hành lang quốc lộ 21 (TP Nam Định - Xuân Trường).
Trong tương lai, tại hành lang quốc lộ 10, tỉnh Nam Định định hướng huy động các nguồn lực, khai thác hợp lý và có hiệu quả tài nguyên đất; đẩy mạnh phát triển các vùng nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến; phát triển mạnh ngành dịch vụ - du lịch, các điểm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng đối ngoại với quốc gia và quốc tế.
TP Nam Định nằm ở phía bắc của tỉnh Nam Định, thuộc trung tâm khu vực phía nam đồng bằng sông Hồng. Đây là thành phố cổ thứ hai chỉ sau Hà Nội, có lịch sử xây dựng trước cả Phố Hiến  và Hội An , nay đã hơn 760 tuổi.
Ngày 17/10/1921, toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định thành lập TP Nam Định. Trong quá trình phát triển, thành phố từng là đô thị lớn thứ 3 miền Bắc sau thủ đô Hà Nội  và TP Hải Phòng. Nơi đây cũng là thành phố giàu truyền thống cách mạng, văn hiến, quê hương của vương triều Trần có gần hai thế kỷ lừng danh oanh liệt. Nằm ở trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng - nơi "đất chật người đông", từ lâu việc học hành được nhân dân coi trọng, vì thế Nam Định còn được biết đến là vùng "đất học".
Nếu Hà Nội xưa có 36 phố phường thì TP Nam Định cũng có 40 phố cổ  mang tên “Hàng” như Hàng Sắt, Hàng Đồng, Hàng Cau, Hàng Cấp, Hàng Thao, Hàng Mâm, Hàng Bát, Hàng Tiện... Nếu về Nam Định ngày nay, du khách vẫn bắt gặp đâu đó hình ảnh phố cổ giữa những đổi thay của thành phố văn hóa đặc trưng vùng nam sông Hồng xưa.
TP Nam Định có những nét riêng như những con phố nhỏ vào mùa hoa gạo, các món ăn đặc sản địa phương hay tiếng còi tầm của nhà máy dệt. Cùng với các con phố cổ, hoa gạo được coi là loài cây đặc trưng của đất và người Nam Định.
Khi nhắc đến Nam Định là nhắc tới những địa điểm văn hoá nổi bật như hồ Vị Xuyên, ngã tư Cửa Đông, Văn Miếu, đền Trần, chợ Viềng, tháp Phổ Minh, bảo tàng Đồng Quê, chùa Cổ Lễ, Phủ Dầy, biển Thịnh Long, biển Quất Lâm... Tất cả đã tạo cho Thành Nam một dáng vẻ quyến rũ trong mắt mọi người.
Đền Trần
Khu di tích đền Trần  nằm ở sát quốc lộ 10 thuộc đường Trần Thừa (phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định). Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trước khi vào đền, phải qua hệ thống cổng ngũ môn. Trên cổng ghi các chữ Hán Chính nam môn (cổng chính phía nam) và Trần Miếu (miếu thờ nhà Trần).
Đền Trần nổi tiếng với Lễ khai ấn đền Trần đầu xuân và Hội đền Trần tháng tám, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về dự, tri ân công đức các vua Trần và cầu mong những điều tốt đẹp.
Chùa Phổ Minh
Cách đền Trần vài trăm mét là chùa Phổ Minh  (chùa Tháp) - công trình kiến trúc duy nhất thuộc Hành cung Thiên Trường xưa còn tồn tại gần như nguyên vẹn đến ngày nay. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định, chùa có từ thời Lý, mở rộng năm 1262 và phục vụ nhu cầu lễ Phật của Thái thượng hoàng, các thân vương quý tộc thời Trần. Ngoài thờ Phật, chùa có tượng thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông và Pháp sư Huyền Quang, Phổ Loa - những người sáng lập ra trường phái Trúc Lâm.
Phủ Dầy
Đây là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống, trải rộng trên đại bàn xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, gần quốc lộ 10, 37B và 38B. Hội Phủ Dầy được tổ chức hàng năm vào ngày 3/3 âm lịch, nhằm bày tỏ sự biết ơn với Mẫu Liễu Hạnh. Thời điểm này, Chúa Liễu Hạnh cũng được thờ tại nhiều lễ hội khác trên Việt Nam, nhưng hội Phủ Dầy là một trong những sự kiện long trọng và nổi tiếng nhất nước, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, khách thập phương.
Làng cây cảnh Vị Khê
Làng Vị Khê nằm ở xã Điền Xá, huyện Nam Trực, cách TP Nam Định khoảng 5km về phía đông nam. Làng có lịch sử hơn 700 năm và thường được du khách gọi đùa là "làng tỷ phú". Các nghệ nhân trồng cây cảnh ở đây kế tục sự nghiệp theo kiểu cha truyền con nối.