Thành phố sụt lún nhanh nhất ĐBSCL sắp thành lập 7 khu nông nghiệp công nghệ cao, quy mô hơn 1.600ha
Dự kiến, tổng kinh phí xây dựng đề án là hơn 7,6 tỷ đồng với thời gian hoàn thiện trong 9 tháng.
Mới đây, lãnh đạo TP. Cần Thơ đã thống nhất chủ trương xây dựng Đề án thành lập 7 khu nông nghiệp  ứng dụng công nghệ cao tại 3 huyện, với tổng diện tích 1.665ha.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện.
Dự kiến, tổng kinh phí xây dựng đề án là hơn 7,6 tỷ đồng với thời gian hoàn thiện trong 9 tháng.
Theo kế hoạch, Sở NN&PTNT Cần Thơ sẽ triển khai xây dựng 7 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, với tổng quy mô 1.665ha.
Cụ thể, tại huyện Vĩnh Thạnh sẽ có 3 khu ở các xã Thạnh Tiến, Thạnh Lợi và Thạnh Quới; huyện Thới Lai có 2 khu tại xã Trường Xuân và xã Đông Thuận; huyện Cờ Đỏ có 2 khu tại xã Thới Đông và xã Thới Hưng.
>> Bình Định lý giải về việc quy hoạch khu công nghiệp hơn 820ha lớn nhất tỉnh 
Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết, theo quy hoạch tích hợp ngành nông nghiệp của thành phố, địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng đến các mô hình nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, thành phố sẽ đầu tư phát triển hạ tầng cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cờ Đỏ, thu hút các doanh nghiệp chiến lược tham gia đầu tư kinh doanh, đặc biệt là vào Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, chất lượng cao trên diện tích khoảng 50.000ha tại các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh.
Phần diện tích đất lúa còn lại sẽ được sử dụng linh hoạt cho các mục đích khác, như phát triển lúa chất lượng cao theo mô hình tuần hoàn, giảm phát thải.
Song song với đó, diện tích vùng trồng cây ăn trái tập trung cũng sẽ được mở rộng, gắn với tiêu chuẩn chất lượng theo chuỗi liên kết chế biến, bảo quản, xuất khẩu và phát triển du lịch nông nghiệp.
Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tốc độ sụt lún đất tại Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra nhanh gấp ba lần so với mực nước biển dâng. Trong đó, TP. Cần Thơ là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với mức sụt lún trung bình 1,31cm/năm.
>> Siêu dự án 85.000 tỷ sẽ đưa Hòa Phát lọt top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới