Bộ Công Thương ra quyết định mới, một sản phẩm bớt áp lực từ hàng Trung Quốc
Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Quyết định được ký ngày 21/1 nêu rõ, hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời là sản phẩm thép cán nóng có đặc tính cơ bản là sắt, thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng; được cán nóng; độ dày từ 1,2 mm đến 25,4 mm; chiều rộng không quá 1.880 mm; chưa được gia công quá mức cán nóng; đã tẩy gỉ hoặc không tẩy gỉ; không dát phủ, phủ, mạ hoặc tráng; có phủ dầu hoặc không phủ dầu; hàm lượng carbon nhỏ hơn hoặc bằng 0,3% tính theo khối lượng.
Các sản phẩm là thép không gỉ không thuộc phạm vi áp dụng thuế CBPG tạm thời.
Sản phẩm thép cán nóng bị áp dụng thuế CBPG tạm thời được phân loại theo các mã số hàng hoá (mã HS): HS 7208.25.00, 7208.26.00, 7208.27.19, 7208.27.99, 7208.36.00, 7208.37.00, 7208.38.00, 7208.39.20, 7208.39.40, 7208.39.90, 7208.51.00, 7208.52.00, 7208.53.00, 7208.54.90, 7208.90.90, 7211.14.15, 7211.14.16, 7211.14.19, 7211.19.13, 7211.19.19, 7211.90.12, 7211.90.19, 7225.30.90, 7225.40.90, 7225.99.90, 7226.91.10, 7226.91.90.

Bộ Công Thương có thể sửa đổi, bổ sung danh sách các mã HS của hàng hoá bị áp dụng thuế CBPG tạm thời để phù hợp với mô tả hàng hoá bị điều tra và các thay đổi khác (nếu có).
Về mức thuế CBPG tạm thời với tổ chức, cá nhân sản xuất và xuất khẩu hàng hoá có xuất xứ từ Ấn Độ, Bộ Công Thương quyết định không áp dụng do thoả mãn điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 78 Luật Quản lý thương mại số 05/2017/QH14.
Trong khi, mức thuế áp tạm thời với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất và xuất khẩu hàng hoá có xuất xứ từ Trung Quốc dao động từ 19,38-27,83%.
Các mức thuế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng thuế CBPG tạm thời được ban hành.
Theo đó, thuế CBPG tạm thời có thời hạn 120 ngày kể từ ngày có hiệu lực, trừ trường hợp được gia hạn, thay đổi, huỷ bỏ theo quy định pháp luật.
Năm 2024, Việt Nam đã chi hơn 19,07 tỷ USD để nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép. Trong đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng này từ Ấn Độ là 238,6 triệu USD và giá trị nhập từ Trung Quốc lên tới gần 12,03 tỷ USD.
Năm vừa qua, thép Trung Quốc chiếm phần lớn trong số lượng nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu do giá bán từ thị trường này thấp hơn từ 30-70 USD, tùy từng loại sản phẩm, so với các thị trường khác.
Điều này xuất phát từ thực tế Trung Quốc chưa thoát khỏi khủng hoảng “thừa thép”, tiêu thụ nội địa giảm buộc các nhà sản xuất thép nước này phải đẩy mạnh xuất khẩu với giá thấp để giải phóng bớt hàng tồn kho.
>>Thép Trung Quốc bị ‘tuýt còi': Bộ Công thương ra đòn mạnh, áp thuế chống bán phá giá kỷ lục 27,83%
Đầu tư công và thị trường nội địa: Bệ đỡ cho giá thép trước áp lực từ thép Trung Quốc giá rẻ