Theo NHNN, riêng thanh toán qua QR Code, từ năm 2018 đến nay, tăng trưởng về số lượng giao dịch bình quân năm đạt hơn 471%.
Sáng 9/1, tại Hội nghị chuyên đề công tác thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết trong thời gian qua, công tác thanh toán đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Nếu như ở giai đoạn 2015 - 2017, báo cáo của World Bank (WB) cho thấy Việt Nam có 31% người trưởng thành có tài khoản thanh toán thì đến nay, con số này đã tăng lên 77,41%. Nhiều ngân hàng báo cáo trên 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số, có ngân hàng đạt tỷ lệ tới 98%.
Về số lượng giao dịch, nếu như năm 2019, hệ thống thanh toán bù trừ có khoảng 700 triệu giao dịch, là một con số mơ ước thời điểm đó thì đến 2023, số lượng giao dịch đã đạt 7 tỷ giao dịch, gấp 10 lần so với năm 2019.
Nếu như năm 2017, chỉ một vài ngân hàng có mobile banking thì hiện nay tất cả giao dịch đều thực hiện trên mobile, đem đến sự giao tiếp hoàn toàn khác cho người dùng. Trước kia, giao dịch ngân hàng chỉ đơn thuần trong lĩnh vực ngân hàng thì giờ đây, người dùng thông qua app ngân hàng đã có thể đặt vé máy bay, chọn chỗ ngồi, đặt taxi, đóng tiền điện, nước… cho thấy sự tích hợp của ngành ngân hàng và các ngành kinh tế khác đã ở mức độ rất cao, Phó Thống đốc cho biết.
Số liệu từ NHNN cũng cho biết thanh toán qua Internet, Mobile và phương thức QR Code tăng trưởng nhanh trong thời gian qua, đến nay đã có 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 52 tổ chức thực hiện qua Mobile.
Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua Internet và Mobile bình quân qua các năm lần lượt đạt mức 46,48%, 90,12%; riêng thanh toán qua QR Code, từ năm 2018 đến nay, tăng trưởng về số lượng giao dịch qua QR Code bình quân năm đạt 471,13%.
Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số của ngành ngân hàng với nhiều phương thức thanh toán hiện đại, tiện lợi được kết nối liên thông, tích hợp liền mạch, xuyên suốt với các ngành, lĩnh vực khác.
Các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ dân sinh như thanh toán điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, đặt nhà hàng, tour du lịch trên các nền tảng số,... đều đã được đưa lên hoặc kết nối với ứng dụng di động của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ Mobile Money.
>> NHNN: Nhiều tài khoản, ví điện tử không chính chủ