Thành trì kinh tế Mỹ chao đảo vì căng thẳng giữa ông Trump và Đại học Harvard
Nền kinh tế của thành phố Boston đang đứng trước những thử thách cực lớn. Cuộc đối đầu giữa Đại học Harvard và chính quyền ông Trump có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành chủ chốt của khu vực này như công nghệ sinh học, bất động sản và thị trường lao động.
Cuộc đối đầu tài chính giữa Tổng thống Donald Trump và Đại học Harvard đang làm dấy lên lo ngại về những tác động kinh tế lan rộng tại Boston.
Ngôi trường thuộc nhóm Ivy League này có vai trò trọng yếu trong khu vực, với hơn 20.000 nhân viên và cơ sở trải dài 2 bên sông Charles ở Boston và Cambridge thuộc bang Massachusetts. Harvard cũng có mối liên hệ sâu rộng với hầu hết các lĩnh vực kinh tế chủ chốt tại thành phố Boston – từ công nghệ sinh học, bất động sản cho đến hệ thống cửa hàng, nhà hàng xung quanh quảng trường Harvard.
Những đợt cắt giảm tại đây có thể dẫn đến hiệu ứng “vòng xoáy tài sản” khi các cá nhân có liên quan đến Harvard bắt đầu thắt chặt chi tiêu, theo ông Evan Horowitz, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chính sách Bang thuộc Đại học Tufts.

Boston là một trong những khu vực giàu có nhất nước Mỹ, được thúc đẩy bởi những ngành chủ chốt như giáo dục và công nghệ sinh học. Tuy nhiên, những đe dọa mới đây từ chính quyền ông Trump – đóng băng 2,26 tỷ USD tiền tài trợ và hợp đồng, đồng thời đe dọa tước quy chế miễn thuế của Harvard – lại đến vào thời điểm nhạy cảm và đầy bất ổn.
Ngành công nghệ sinh học tại Cambridge, vốn phụ thuộc nhiều vào nghiên cứu từ Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã phải vật lộn với tình trạng sa thải và dòng vốn mạo hiểm sụt giảm mạnh sau giai đoạn tăng trưởng nóng trong và sau đại dịch.
Tỷ lệ bỏ trống trong các tòa nhà văn phòng tại Boston đã lên tới 30% vào cuối năm 2024, theo công ty môi giới Cushman & Wakefield. Dù vẫn có một số điểm sáng từ các thương vụ cho thuê, nhu cầu chung đối với không gian phòng thí nghiệm đang giảm khi các công ty thu hẹp quy mô và tái cấu trúc.
Khủng hoảng kinh tế từ trong và ngoài khuôn viên trường càng ảnh hưởng đến thị trường nhà ở đắt đỏ tại Cambridge. Bà Lauren Holleran, phó Chủ tịch tại Gibson Sotheby’s International Realty, cho biết người mua nhà cao cấp bắt đầu hủy giao dịch trong khi một số người bán trì hoãn rao bán.

Căng thẳng giữa Harvard và chính quyền ông Trump lên đến đỉnh điểm vào cuối tuần trước, sau khi trường bác bỏ yêu cầu cải tổ hoạt động và quy trình tuyển sinh. Chính quyền lập tức đáp trả bằng các đe dọa về tài trợ và quy chế thuế.
Trước đó, Harvard và MIT đã áp dụng lệnh đóng băng tuyển dụng, sau những động thái cảnh báo từ chính quyền Mỹ. Vào ngày 16/4, lãnh đạo Trường Y Harvard thông báo họ đang chuẩn bị cắt giảm nhân sự. Trường vốn đã gặp khó khăn ngân sách trước khi chịu thêm sức ép từ chính quyền.
Tác động từ các khoản cắt giảm có thể mất thời gian để lan tỏa trong nền kinh tế địa phương, nhưng trên thực tế, nhiều dự án khoa học và y tế đã bị đình chỉ ngay lập tức.
Kelsey Tyssowski, một nhà nghiên cứu khoa học thần kinh tại Harvard, tiết lộ khoản tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia (NIH) dùng để trả lương và nghiên cứu của cô đã bị trì hoãn. Giờ đây, cô không chắc liệu khoản tiền đó có được chuyển tới hay không. Tyssowski nghiên cứu sự tiến hóa của vận động tinh và hy vọng công trình của cô sẽ giúp điều trị các bệnh thần kinh trong tương lai.

Nguy cơ này còn lan sang ngành công nghệ sinh học khu vực, vốn dựa vào dòng nghiên cứu học thuật để nuôi dưỡng các startup tiềm năng. Moderna – công ty công nghệ sinh học tại Cambridge thành lập năm 2010 – là một ví dụ điển hình, khởi nguồn từ nghiên cứu mRNA tiên phong của các nhà khoa học Harvard và nhanh chóng trở thành doanh nghiệp tỷ USD.
“Tất cả những điều này đều có hiệu ứng dây chuyền”, Maggie O’Toole, CEO sắp nhậm chức của LabCentral – tổ chức phi lợi nhuận cung cấp không gian phòng thí nghiệm cho hàng trăm startup tại Boston – nhận định. “Các trường đại học thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và phát triển nguồn vốn tri thức cho doanh nghiệp”.
Trong khoảng 300 startup từng hoạt động tại LabCentral, hơn 60% có liên kết với Harvard hoặc MIT – như lãnh đạo, nhà sáng lập từng học tập tại 2 trường hoặc sở hữu công nghệ được cấp phép từ đó.
Max Cotler, COO của GelMedix – startup công nghệ sinh học chuyên phát triển liệu pháp tế bào – nhấn mạnh sự ổn định tài chính tại Harvard có ý nghĩa sống còn với cả ngành.
Theo WSJ
>> Harvard chính thức kiện chính quyền Tổng thống Trump sau khi bị đe dọa cắt hàng tỷ USD tài trợ