Thi công đường vành đai, phát hiện ngôi làng có niên đại 7.000 năm, 10 ngôi nhà chìm một phần được khai quật
Phát hiện khảo cổ này mang đến cho các nhà khoa học nhiều thông tin thú vị.
Trong quá trình xây dựng đường vành đai Prague, một phát hiện khảo cổ học bất ngờ đã được các nhà khoa học Cộng hòa Séc thực hiện tại Vùng Trung Bohemia. Họ đã tìm thấy một khu định cư cổ đại có niên đại lên tới 7.000 năm tuổi, một bằng chứng sống động về quá khứ xa xưa của khu vực này, theo Heritage Daily.
Nằm ngay sát Thủ đô Prague sầm uất, ngôi làng  cổ đại này như một kho tàng bí ẩn, chứa đựng những câu chuyện về cuộc sống của người dân 5.000 năm trước Công nguyên. Tàn tích của khu định cư này bao gồm các công trình kiến trúc trải dài từ cuối thời kỳ đồ đá mới cho đến đầu thời kỳ đồ đồng, phản ánh sự phát triển của xã hội loài người trong một giai đoạn lịch sử quan trọng.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện tổng cộng 10 ngôi nhà một phần bị chìm cùng với nhiều hố có thể là tàn tích của các công trình  khác như nhà ở, chuồng trại hoặc khu vực sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, họ còn tìm thấy các hố chứa đồ, hố rác và dấu tích của một xưởng chế tác đá cổ đại, cho thấy một cộng đồng đã từng sinh sống và hoạt động đa dạng tại đây.
Di chỉ này còn cung cấp một kho tàng hiện vật đa dạng, bao gồm đồ gốm, công cụ bằng kim loại và các hạt trang sức. Những hiện vật này không chỉ cho thấy sự phong phú của cuộc sống vật chất mà còn hé lộ những bí mật về kỹ thuật sản xuất, tín ngưỡng và nghệ thuật của người dân cổ đại.
Ngoài những ngôi nhà cổ và các hiện vật sinh hoạt, các nhà khảo cổ còn phát hiện một hệ thống các hố sâu có niên đại từ thế kỷ XIII. Những hố này, với đường kính tròn và độ sâu từ 2-5m, được cho là liên quan đến hoạt động khai thác vàng tại các thềm cát sỏi của một dòng suối gần đó.
>> Ngôi làng cổ 4.000 năm tuổi sâu 7m dưới lòng đất, vẫn còn hơn 100 thôn xóm sinh sống