Từ mức 11.800 đồng (phiên 16/11/2022), cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát hiện đã tăng hơn 76% giá trị song vẫn thấp hơn đỉnh lịch sử 52,6%.
Kết tuần giao dịch từ 27 - 31/3/2023, VN-Index tăng 16,85 điểm (+1,71%) lên 1.064,64 điểm. Kết tháng 3, chỉ số có thêm 40 điểm (+3,9%) và kết thúc quý 1/2023 tăng 57,55 điểm (+5,7%).
Với 9 phiên tăng liên tiếp kể từ ngày 21/3, chỉ số đại diện thị trường chứng khoán Việt Nam đã có chuỗi tăng điểm kỷ lục trong vòng 20 tháng trở lại đây.
Diễn biến chỉ số VN-Index trong tháng 3/2023 |
Tuần qua, dù chỉ tăng 2% lên mức 20.800 đồng song cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát lại trở thành một trong những tâm điểm đáng chú ý của dòng tiền.
Gần 5 tháng mua vào cổ phiếu HPG của khối ngoại
Cụ thể, cổ phiếu HPG bị nhà đầu tư cá nhân xả bán mạnh nhất thị trường với 378 tỷ đồng - bỏ xa các mã xếp sau đó như VHM (181 tỷ) hay VPB (174 tỷ).
Ngược chiều, tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất cổ phiếu Hòa Phát với giá trị hơn 62 tỷ đồng dù nhóm này đã bán ròng 620 tỷ trong cả tuần.
Đồng pha, khối ngoại tiếp tục các động thái "tích sản" của cổ phiếu HPG với lực mua dẫn đầu thị trường trong tuần này - đạt 302 tỷ (tương ứng khối lượng mua ròng khoảng 13,8 triệu đơn vị).
Tính chung, khối ngoại đã mua ròng phiên thứ 8 liên tiếp tại cổ phiếu HPG (từ ngày 21/3) và có 17 phiên mua vào trong 1 tháng giao dịch gần nhất.
Rộng hơn, dòng tiền nhóm này đã duy trì các hoạt động mua tích lũy cổ phiếu Hòa Phát từ giữa tháng 11/2022 (thời điểm VN-Index và hàng trăm cổ phiếu cùng tạo đáy - phiên 16/11/2022). Trong thời gian này, gần 300 triệu cổ phiếu HPG đã về tay khối ngoại - giá trị mua ròng khoảng 5.000 tỷ đồng (tính theo giá bình quân 16.x đồng/cổ phiếu).
Từ mức 11.800 đồng từng ghi nhận trong phiên 16/11/2022, cổ phiếu HPG hiện đã tăng hơn 76% giá trị và thấp hơn đỉnh lịch sử (mức 43.900 đồng hồi cuối tháng 10/2021) 52,6%.
Đáng nói, kể từ giữa tháng 1/2023 trở lại đây, cổ phiếu Hòa Phát chủ yếu biến động quanh mốc 21.000 đồng (vùng dao động từ 20.000 - 22.000 đồng/cổ phiếu). Nếu chỉ tính trong khoảng thời gian này, khối ngoại đã mua ròng 71,5 triệu cổ phiếu HPG (giá trị mua ròng 1.500 tỷ đồng).
Quan sát đồ thị, cổ phiếu HPG hiện đang biến động lình xình trong vùng giao nhau của các đường MA (20-50-200). Đường MA100 hiện vẫn nằm dưới đường MA200 cho tín hiệu chưa thực sự khả quan về triển vọng trung dài hạn. Mặc dù vậy, với bối cảnh hiện tại và tình hình nội tại của doanh nghiệp, một số công ty chứng khoán cho rằng khả năng để cổ phiếu HPG rơi mạnh trở lại là có nhưng không nhiều.
Triển vọng đầu tư: Quý 1/2023 có thể vẫn lỗ
Hiện mùa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 đang đến gần và phía Tập đoàn Hòa Phát cũng vừa tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên 2023 nhằm thông quan một số nội dung đáng chú ý.
Cụ thể, Tập đoàn lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu đạt 150.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT - ông Trần Đình Long thậm chí nói ngay vấn đề không chia cổ tức năm 2022 (kể cả bằng tiền hay cổ phiếu) trong bối cảnh HĐQT đã xem xét và cân nhắc kỹ lượng kết quả kinh doanh năm 2022 với chỉ 8.444 tỷ đồng lãi sau thuế. Toàn bộ lợi nhuận đạt được sẽ dồn cho "quả đấm thép" hơn 3 tỷ USD (khoảng 75.000 tỷ đồng đầu tư giai đoạn 2 cho dự án Dung Quất.
Với việc không chia cổ tức, 2022 sẽ là năm đầu tiên trong lịch sử 16 năm niêm yết Hòa Phát không chia cổ tức. Trước đó, công ty luôn duy trì tỷ lệ trả cổ tức từ 20 - 60%/năm trong đó cao nhất là năm 2009 và thấp nhất là các năm 2011 - 2012.
Dù Chủ tịch Trần Đình Long khẳng định "Giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua rồi, nội lực của HPG vẫn tốt và tương lai về triển vọng theo tôi vẫn tốt song hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cầu" song ông Long vẫn bật mí việc kết quả kinh doanh các tháng 1 - 2/2023 vẫn thua lỗ lỗ nhưng thấp hơn dự kiến còn tháng 3 chưa có số cụ thể nhưng sẽ tốt hơn.
Được biết Hòa Phát đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép (4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương). Ngoài ra, Hòa Phát còn một lò điện tại Hưng Yên để sản xuất thép từ phế liệu, công suất 400.000 tấn thép/năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số lò trong số này chưa hoạt động trở lại khiến sản lượng sản xuất của công ty ghi nhận mức thấp trong 2 tháng đầu năm giảm 42% so với cùng kỳ.
Ghi nhận tại báo cáo mới cập nhật, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) đánh giá, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát vẫn sẽ ảm đạm trong quý 1/2023 với doanh thu dự phóng giảm 44% so với cùng kỳ còn 24.588 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế dự phóng âm 130 tỷ.
4 cổ phiếu ngân hàng cùng vượt đỉnh trong phiên 27/12, VN-Index chiếm cao điểm 1.275 
Cổ phiếu Hoàng Huy (TCH) về sát giá trị sổ sách, chờ bứt phá với loạt dự án BĐS sắp bàn giao