Thị trường bất động sản Hồng Kông chao đảo, ngân hàng chuẩn bị trưng thu hàng loạt tòa nhà
Theo báo cáo mới nhất từ PricewaterhouseCoopers LLP (PWC), thị trường bất động sản Hồng Kông (Trung Quốc) đang rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng.
Christopher So, đối tác cấp cao của PWC và người đứng đầu bộ phận tái cấu trúc doanh nghiệp và thủ tục phá sản , cho biết: "Các bên cho vay thường cho người vay một khoảng thời gian nghỉ ngơi ban đầu. Tuy nhiên, nếu cuộc đàm phán không đi đến đâu, các ngân hàng có thể cân nhắc thực hiện các hành động cưỡng chế".
Ông So hiện đang giám sát danh mục bất động sản trị giá hơn 10 tỷ đô la Hồng Kông (1,28 tỷ USD) và tiết lộ rằng nhiều ngân hàng đã đưa tài sản thế chấp vào diện quản lý trong 6 đến 12 tháng qua.
Trong số các tài sản đang được xử lý có Trung tâm Cheung Kei, từng thuộc sở hữu của tỷ phú Trung Quốc Chen Hongtian, cùng nhiều bất động sản từ gia đình Tang Shing-bor, vốn điều hành các khách sạn, cửa hàng và tòa nhà công nghiệp.
Tình trạng khó khăn bao trùm cả thị trường bất động sản thương mại và nhà ở. Theo CBRE Group Inc., tỷ lệ văn phòng bỏ trống tại Hồng Kông đã lên tới mức kỷ lục 16,9% trong nửa đầu năm nay. Dự báo giá thuê có thể giảm tới 10% vào năm 2024.
Raymond Kwong, phó Giám đốc bộ phận tái cấu trúc và phá sản của PWC Hồng Kông, nhận định: "Sự suy thoái của thị trường bất động sản Hồng Kông  đang ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Chúng tôi chắc chắn đang trải qua một giai đoạn đầy thách thức".
Bên cạnh đó, một loạt các căn hộ nhà ở cao cấp đang được tung ra thị trường khi các gia đình giàu có tại địa phương bị cuốn vào cuộc khủng hoảng nợ nần. Lãi suất cao và lợi nhuận cho thuê thấp cũng đang ngăn cản các nhà đầu tư.
Thị trường nhà ở tư nhân có nhiều biến động
Trong khi đó, chính quyền Hồng Kông cũng đang siết chặt quản lý nhà ở xã hội. Theo tiết lộ của Giám đốc Sở Nhà ở Hồng Kông, bà Rosanna Law Shuk-pui, khoảng 5.000 căn hộ trong các dự án nhà ở xã hội đã bị thu hồi trong hai năm qua từ những "người thuê nhà khá giả", bao gồm những người sở hữu xe hơi sang trọng và 12 người có bất động sản ở nước ngoài. Số căn hộ này tương đương với một khu nhà ở xã hội cỡ trung, có giá trị xây dựng khoảng 5 tỷ đô la Hồng Kông (640 triệu USD).
Theo quy định mới, tất cả người thuê nhà ở xã hội hiện phải kê khai thu nhập và tài sản hai năm một lần, thay vì chỉ áp dụng cho những người đã ở trên 10 năm như trước đây.
Bà Law tiết lộ rằng cơ quan quản lý nhà ở đã phát hiện nhiều xe hơi sang trọng tại bãi đỗ xe của các khu nhà ở xã hội, sau khi vấn đề này được báo chí nêu ra. Tại Queen's Hill Estate ở Fanling, bà đích thân nhìn thấy một chiếc xe mới mang cả biển số Trung Quốc đại lục và Hồng Kông - loại biển số chỉ dành cho giới tinh hoa trong kinh doanh, chính trị hoặc từ thiện.
Sau cuộc điều tra, một hộ gia đình tại khu nhà này đã tự nguyện giao nộp căn hộ cho chính quyền, mặc dù bà Law không xác nhận đây có phải là chủ nhân của chiếc xe sang mà bà đã nhìn thấy hay không.
Bà Law cũng cho biết thêm, 12 căn hộ khác đã bị thu hồi sau khi phát hiện người thuê sở hữu bất động sản ở đại lục hoặc Ma Cao  vượt quá mức quy định.
Từ tháng 9 năm ngoái, một chương trình khuyến khích các công ty quản lý tài sản và vệ sinh báo cáo những trường hợp nghi ngờ vi phạm quy định đã được triển khai. Kết quả là 38 căn hộ đã được thu hồi thông qua sáng kiến này.
Gần 250.000 hộ gia đình thuê nhà ở xã hội đã hoàn thành việc kê khai thu nhập và tài sản, trong đó 1.800 hộ đã chủ động trả lại căn hộ cho chính quyền. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 70 hộ gia đình chưa khai báo đúng hạn và đã nhận được yêu cầu trả lại nhà.
Những diễn biến này cho thấy thị trường bất động sản Hồng Kông đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu rộng.
Theo Yahoo Finance, SCMP
>> Suy thoái bất động sản kéo dài, tài phiệt Hồng Kông ồ ạt bán biệt thự giá lỗ để trả nợ