Thị trường chứng khoán thường biến động ra sao trong tháng 7?
Thị trường chứng khoán tháng 7 trong 10 năm trở lại đây đã có những chuyển biến tích cực hơn so với giai đoạn trước khi sắc xanh chiếm chủ đạo.
Thị trường chứng khoán khép lại nửa đầu năm 2024 với nhiều biến động mạnh nhưng xu hướng đi lên vẫn là chủ đạo. Sau nhịp điều chỉnh sâu hồi tháng 4, thị trường đã đảo chiều hồi phục mạnh mẽ. VN-Index  leo lên trên 1.300 điểm, mức cao nhất trong vòng 2 năm trước khi quay đầu điều chỉnh trong nửa cuối tháng 6.
Bước sang tháng 7, đây là khoảng thời gian các doanh nghiệp trên sàn bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý 2 và bán niên, đây sẽ là nguồn thông tin quan trọng có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.
Nhìn lại thống kê lịch sử giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 7 cho thấy, trong 24 năm vận hành, VN-Index có 12 năm tăng điểm và 12 năm giảm điểm. Như vậy, xác suất thị trường tăng - giảm điểm ở mức 50/50.
Tuy nhiên, giai đoạn từ 2013-2023 đến nay, thị trường đã có sự cải thiện rõ rệt với 8 năm tăng và chỉ có 3 năm giảm, đặc biệt là chuỗi 5 năm tăng liên tiếp trong tháng 7 giai đoạn từ 2013-2017. Gần nhất, trong năm 2023, VN-Index đã tăng 9,17% so với tháng 6, mức tăng cao nhất kể từ khi thị trường chứng khoán khủng hoảng vào năm 2008.
Biến động của VN-Index trong tháng 7 từ năm 2000 đến nay |
>> Một cổ phiếu âm thầm tăng gần 400% trong pha giảm sâu của thị trường chung
Thị trường chứng khoán nửa cuối năm được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng
Theo các chuyên gia của Chứng khoán Phú Hưng (MCK: PHS ), thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) sẽ có tăng trưởng mạnh vào giai đoạn nửa cuối năm 2024.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, tỷ giá có thể chững lại hoặc giảm. Trường hợp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, giá trị đồng USD sẽ giảm. Do đó, tỷ giá có thể sẽ hạ nhiệt và ở mức trung bình thay vì tỷ giá tăng mạnh như hiện nay, cũng sẽ bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ và nhờ đó, TTCK sẽ có nhiều cơ hội.
Bên cạnh đó, triển vọng của TTCK sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng còn lại của năm 2024, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được kỳ vọng tiếp tục phục hồi nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu cải thiện, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu và tiêu dùng.
Chính phủ tiếp tục duy trì môi trường lãi suất thấp, dù lãi suất chính sách có thể tăng nhẹ, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nguồn vốn FDI được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt, đặc biệt là với tiềm năng từ ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Song song đó, chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đặc biệt là quyết tâm của Chính phủ và cơ quan quản lý trong việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian tới.
Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước định hướng điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Hệ thống giao dịch KRX được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho TTCK Việt Nam như tăng thanh khoản, nâng cao hiệu quả hoạt động và thu hút nhà đầu tư nước ngoài..
Cởi trói những nút thắt đang vướng
Sáng 29/6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Luật sửa 4 luật nói trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Theo đó, Quốc hội cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản là Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó là 1/1/2025.
Đồng thời, 2 khoản của Điều 200 và Điều 210 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng được đề nghị có hiệu lực sớm từ 1/8 để đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ với Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng phân tích CTCK Agribank, nhìn chung, các sắc luật trên sẽ tác động tích cực tới thị trường bất động sản theo hướng minh bạch về mặt cơ sở pháp lý. Các sắc luật này có hiệu lực sớm sẽ giúp ích cho không chỉ các nhà phát triển bất động sản, mà còn cho các cá nhân tham gia vào thị trường.
Việc củng cố được niềm tin của nhà đầu tư sẽ giúp cho nhu cầu phục hồi trở lại và thị trường bất động sản ấm dần lên. Các doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực triển khai dự án sẽ được hưởng lợi. Nhóm cổ phiếu bất động sản sau 1 thời gian dài diễn biến khá ảm đạm sẽ có thể thu hút dòng tiền quay trở lại.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho biết, “Việc đẩy nhanh thông qua ba luật trên có thể sẽ tác động tích cực lên thị trường bất động sản và từ đó có thể tác động tích cực lên nhóm bất động sản.
Hiện nay, mức P/B của nhóm bất động sản đang giao dịch ở mức 1.2x, gần như là mức thấp nhất kể từ 2020 đến nay và cũng rất nhiều doanh nghiệp bất động sản có mức P/B dưới 1.x cho thấy mức định giá hiện nay của nhóm bất động sản là rất thấp. Do đó, tôi kỳ vọng việc thông qua ba luật trên có thể là yếu tố củng cố cho đà hồi phục của nhóm này trong thời gian tới”.
>> VN-Index có thể vượt mốc 1.400 điểm trong nửa cuối năm 2024, tạo tiền đề cho sóng Uptrend 
Cổ phiếu DSE của chứng khoán DNSE 'chạm sàn' ngay trong phiên chào HoSE 
Một cổ phiếu bất động sản được khối ngoại rót tiền 5 phiên liên tiếp