Thị xã ít cư dân nhất Việt Nam: Nằm giữa 'nút giao' của 3 con sông, 4.000 hộ dân từng phải di dời để xây dựng đập thủy điện
Thị xã này cũng được ví như “Viên ngọc quý” trên đỉnh trời Tây Bắc, hấp dẫn du khách với cảnh sắc tuyệt đẹp và phong cảnh mê hoặc lòng người.
Mường Lay - Thị xã dân số ít nhất Việt Nam
Thị xã  Mường Lay là một địa danh nhỏ bé nhưng đặc biệt nằm trong tỉnh Điện Biê n, nổi bật không chỉ bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ mà còn bởi dân cư thưa thớt. Với diện tích 112,67km2 và dân số chỉ đạt 11.618 người (theo niên giám thống kê tỉnh Điện Biên năm 2022), Mường Lay có mật độ dân số chỉ khoảng 103 người/km2, khiến nơi này trở thành thị xã có dân số ít nhất Việt Nam.
Mường Lay nằm trong một thung lũng dài, nơi giao cắt của ba dòng sông  lớn: sông Đà, sông Nậm Na và sông Nậm Lay. Thị xã này cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 100km về phía đông bắc. Về vị trí tiếp giáp, phía Bắc và Tây Bắc của Mường Lay giáp với huyện Mường Tè và huyện Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu; phía Đông, phía Nam và Tây Nam giáp huyện Mường Chà của tỉnh Điện Biên. Vị trí này không chỉ tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn mang lại tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và văn hóa.
Năm 1962, Quốc hội quyết định thành lập lại hai tỉnh Sơn La và Lai Châu, trong đó Mường Lay trở thành một đơn vị hành chính thuộc tỉnh Lai Châu và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Đến ngày 1/1/2004, tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh: Lai Châu và Điện Biên. Hiện nay, tỉnh Điện Biên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện. Tỉnh Lai Châu hiện có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 7 huyện.
Tiềm năng phát triển du lịch tại thị xã Mường Lay
Sau khi trung tâm hành chính tỉnh lỵ Lai Châu (nay là Điện Biên) chuyển về TP. Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay trở thành một đơn vị hành chính cấp huyện nhỏ về cả diện tích lẫn dân số. Thị xã này càng thêm nhỏ hẹp khi phải nhường đất cho dự án Thủy điện Sơn La . Hơn 4.000 hộ dân, phần lớn là người Thái, đã phải chuyển chỗ ở vì nhu cầu của quốc gia.
Ngày nay, thị xã Mường Lay dù có dân số ít ỏi nhưng lại sở hữu tiềm năng kinh tế từ nông nghiệp và thủy sản. Đặc biệt, nghề nuôi cá lồng bè trên sông Đà là một trong những ngành nghề chính mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Cùng với đó, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với núi non hùng vĩ và dòng sông Đà uốn lượn là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái.
Nhận thấy tiềm năng du lịch của địa phương, sau khi ổn định cuộc sống cho người dân, từ năm 2015, thị xã Mường Lay đã duy trì Lễ hội Đua thuyền đuôi én vào những ngày đầu năm mới. Lễ hội này không chỉ tái hiện lại lịch sử, tập quán định cư và sản xuất của người Thái trắng, mà còn là không gian văn hóa phong phú với những điệu múa, câu hát dân ca, và ẩm thực truyền thống. Qua nhiều năm tổ chức, Lễ hội Đua thuyền đuôi én đã trở thành điểm hẹn văn hóa đầu năm, thu hút đông đảo người dân và du khách đến với Mường Lay.
Được thiên nhiên ưu ái, thị xã Mường Lay cũng có nhiều món đặc sản nổi tiếng. Sự tinh tế và tài hoa của người Thái đã tạo nên một nền văn hóa ẩm thực đặc biệt. Các món ăn đặc trưng như cá tôm làm gỏi, cá nướng, cá canh chua; gà, vịt mọ; rêu đá nướng; xôi ngũ sắc và bánh khẩu xén đều là những yếu tố giúp thu hút khách du lịch .
Mường Lay, với cảnh quan lòng hồ Thủy điện Sơn La, là nơi quần cư và cũng là thủ phủ của người Thái, ngành Thái trắng. Du khách đến đây có thể tham quan lòng hồ, trải nghiệm đánh bắt thủy sản, và khám phá nhiều điều thú vị khác.
Dù là một thị xã nhỏ, Mường Lay sở hữu ba di tích quốc gia: Nhà tù Lai Châu, Nghệ thuật xòe Thái và lễ hội Kin Pang Then. Một điểm đến không thể bỏ qua là dinh thự của "vua Thái" Đèo Văn Long trên đỉnh Pú Vạp cao hơn 1.000m so với mực nước biển.
Mường Lay đang được định hướng phát triển thành một trung tâm du lịch quan trọng của tỉnh Điện Biên. Địa phương này đã góp phần đáng kể vào việc bảo tồn và phát huy hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái (công nhận năm 2019) và Nghệ thuật Xòe Thái (công nhận năm 2021).
Thời điểm lý tưởng nhất để du khách đến khám phá Mường Lay là từ tháng 9 đến tháng 3. Du khách đến đây có thể chiêm ngưỡng dòng sông Đà xanh biếc, tham quan các bản làng dân tộc với nhà sàn truyền thống và tham gia vào các lễ hội văn hóa độc đáo. Các món ăn đặc sản như cơm lam, thịt trâu gác bếp, và rượu cần cũng là những trải nghiệm không thể bỏ qua.
Tổng hợp