Thịt lợn bất ngờ tăng giá ‘chóng mặt’ kéo giá tiêu dùng vượt dự báo, kinh tế Trung Quốc sắp tới ra sao?
Chỉ số CPI lõi tháng 7 của Trung Quốc, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - đã tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái - giảm so với mức tăng 0,6% của tháng 6.
Giá tiêu dùng tháng 7 của Trung Quốc đã tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo, chủ yếu là nhờ giá thịt lợn tăng vọt, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS).
Trước đó, các nhà phân tích được Reuters thăm dò dự đoán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 sẽ tăng nhẹ 0,3%.
Mức tăng 0,5% của CPI tháng 7 là cao nhất kể từ mức tăng 0,7% vào tháng 2, theo dữ liệu chính thức từ Wind Information. Được biết, kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, dịp lễ lớn nhất trong năm của Trung Quốc , đã rơi vào tháng 2 năm nay.
Giá thịt lợn tháng 7, loại thực phẩm tiêu thụ phổ biến tại Trung Quốc, đã tăng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/2022.
Giá thịt lợn có vai trò quan trọng trong chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc, nhưng dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như dịch bệnh hoặc thay đổi trong sản xuất.
Chỉ số CPI lõi tháng 7, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - đã tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái - giảm so với mức tăng 0,6% của tháng 6. Giá du lịch tháng 7 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 6,4% từ đầu năm đến nay, theo số liệu từ Cục Thống kê.
Chi phí giáo dục và giải trí trong tháng 7 tăng 1,7%, thấp hơn một chút so với mức tăng 2% từ đầu năm đến nay. Giá nhiên liệu vận tải tăng 5,1% trong tháng 7, nhưng giá của "công cụ vận tải" lại giảm 5,6%. Trang web của Cục Thống kê không nêu rõ danh mục này bao gồm những gì.
Theo CNBC, báo cáo CPI mới nhất cũng cho thấy dấu hiệu suy thoái trong lĩnh vực bất động sản tại quốc gia tỷ dân. Giá thuê nhà giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sâu hơn mức giảm 0,1% từ đầu năm đến nay, theo số liệu từ Cục Thống kê. Giá đồ gia dụng giảm 1,8%, nhiều hơn so với mức giảm 0,8% từ đầu năm đến nay.
Nhà kinh tế trưởng Lynn Song của Greater China tại ngân hàng ING cho biết lạm phát  Trung Quốc có thể sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới. Tuy nhiên, nó sẽ không ảnh hưởng đến việc nước này nới lỏng chính sách tiền tệ.
Giá sản xuất giảm
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 7 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2023, mức giảm này ít hơn dự báo giảm 0,9% và tương đương với mức giảm của tháng 6.
Giá vật liệu xây dựng và vật liệu phi kim loại đã giảm 5,2% trong tháng 7, thấp hơn mức giảm 7,1% từ đầu năm đến nay. Giá kim loại màu và dây điện tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá nhiên liệu và điện tăng 0,5%.
Tuần trước, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) Caixin trong lĩnh vực sản xuất cho thấy chỉ số này đã giảm từ 51,8 trong tháng 6 xuống còn 49,8 trong tháng 7. Theo Caixin, đây là sự sụt giảm nhẹ nhưng đánh dấu lần thu hẹp đầu tiên trong 9 tháng. Mốc dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất đi xuống.
Báo cáo của Caixin nêu rõ: “Sự gia tăng chi phí đầu vào đã hạ nhiệt trong giai đoạn khảo sát mới nhất, cùng với sự cạnh tranh nhiều thêm đã khiến các nhà sản xuất Trung Quốc giảm giá bán trung bình trong tháng 7”.
Hôm thứ 4, Trung Quốc cũng công bố lượng nhập khẩu trong tháng 7 tăng 7,2% so với năm trước, vượt kỳ vọng, trong khi xuất khẩu chỉ tăng 7%, thấp hơn dự đoán.
Xuất khẩu vẫn là một điểm sáng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Doanh số bán lẻ trong tháng 6 tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Để thúc đẩy tiêu dùng, chính quyền đã mở rộng chương trình “đổi cũ lấy mới”, tập trung vào ô tô, đồ gia dụng và một số mặt hàng khác.
Theo CNBC
Mỹ vượt mặt Trung Quốc, trở thành ‘bạn hàng’ lớn nhất của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới 
Nỗi lo của tài xế Trung Quốc khi taxi tự lái “lên ngôi”