4 bức tranh ảm đạm về ngành công nghiệp thép của Trung Quốc
Thị trường bất động sản trì trệ và căng thẳng thương mại kéo dài được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trì trệ của ngành thép Trung Quốc.
Nhiều vấn đề đang nổi lên tại thị trường thép lớn nhất thế giới. Sau nhiều năm suy thoái, ngành bất động sản - nguồn cầu chính của ngành thép Trung Quốc - đã sụt giảm mạnh, khiến hàng tỷ tấn thép ế ẩm. Triển vọng ngành không mấy khả quan khi giá cả lao dốc, lợi nhuận giảm dần. Trong khi đó, trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế dài hạn, hỗ trợ cho ngành thép còn hạn chế.
Bắc Kinh chưa đưa ra giải pháp đột phá cho thị trường bất động sản, cũng như chưa có kế hoạch đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng để duy trì mức tiêu thụ thép. Khi chính quyền chú trọng thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và phát triển công nghiệp công nghệ cao, nhu cầu thép dự kiến sẽ giảm trong năm nay.
Ông Tomas Gutierrez, chuyên gia phân tích tại Kallanish Commodities, nhận định: "Ngành thép đang thiếu những điểm sáng, và sự suy thoái của thị trường nhà ở có thể còn kéo dài nhiều năm nữa. Rõ ràng hiện nay Chính phủ có cách tiếp cận rất khác về các biện pháp kích thích kinh tế".
Sự suy yếu của thị trường thép Trung Quốc đang tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu. Giá quặng sắt giảm, trong khi Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép, làm gia tăng căng thẳng thương mại quốc tế.
Dưới đây là bốn khía cạnh của bức tranh ảm đạm trong ngành thép Trung Quốc:
Nhu cầu trì trệ
Thị trường bất động sản Trung Quốc trì trệ kéo dài được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Theo dự báo của Kallanish, nhu cầu thép từ ngành xây dựng sẽ giảm 10% trong năm nay. Điều này khiến tỷ trọng của ngành xây dựng trong tổng mức tiêu thụ thép giảm xuống còn khoảng 1/4 - mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua.
Mặc dù một số lĩnh vực khác như thiết bị tiêu dùng và đóng tàu vẫn đang phát triển, quy mô quá nhỏ không thể bù đắp cho cú sốc từ ngành bất động sản. Kallanish dự báo nhu cầu thép nội địa sẽ giảm 1% trong năm 2024.
Wei Ying, chuyên gia phân tích tại China Industrial Futures Ltd., nhận định: "Nhu cầu thép hiện nay rất thấp. Các tỉnh đang gánh nợ nần chồng chất buộc phải tập trung giảm đòn bẩy tài chính. Cùng với việc thiếu các dự án khả thi, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng không đạt mức kỳ vọng".
Giá thép lao dốc
Nhu cầu sụt giảm đã kéo theo sự sụt giảm giá thép trong những tháng gần đây. Giá thép cây, dùng trong xây dựng, hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 2017, trong khi thép cuộn cán nóng dùng trong sản xuất ô tô và đồ gia dụng chạm đáy 4 năm. Nhiều nhà sản xuất đang phải chịu lỗ trên mỗi tấn thép sản xuất do chi phí cao hơn giá bán.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng mới cho thép cây, gây khó khăn cho việc tiêu thụ hàng tồn kho hiện tại. Theo Mysteel Global, điều này đã dẫn đến một số đợt bán tháo hoảng loạn trước khi các quy định mới có hiệu lực vào tháng 9.
Xuất khẩu gặp trở ngại
ArcelorMittal SA, nhà sản xuất thép lớn nhất ngoài Trung Quốc, cho biết việc Trung Quốc xuất khẩu thép ồ ạt đang gây ra vấn đề cho ngành thép toàn cầu, đẩy giá ở Mỹ và châu Âu xuống dưới giá thành. Xuất khẩu thép của Trung Quốc đang ở mức cao nhất kể từ năm 2016, gây lo ngại cho các Chính phủ và doanh nghiệp.
Sự gia tăng mạnh về xuất khẩu sang Mỹ Latinh đã gây ra phản ứng thương mại tại khu vực này. Trong khi đó, các vụ kiện chống bán phá giá ở Việt Nam  - thị trường nhập khẩu thép lớn nhất của Trung Quốc - gần đây cũng thu hút sự chú ý. Các hạn chế nhập khẩu tại Việt Nam có thể làm tăng thêm áp lực giảm giá thép nội địa Trung Quốc.
Áp lực từ giá nguyên liệu thô
Sự suy thoái của ngành thép đã tác động mạnh đến giá quặng sắt trong năm nay, ảnh hưởng đến thu nhập của các tập đoàn khai khoáng lớn như BHP Group Ltd. và Rio Tinto Group. Giá quặng sắt tương lai tại Singapore đã giảm hơn 25% kể từ cuối năm 2023 và đang khó duy trì trên ngưỡng 100 USD/tấn.
Trái với xu hướng thông thường, lượng hàng tồn kho quặng sắt tại cảng đã tăng liên tục trong năm 2024, vượt 150 triệu tấn. Điều này gây áp lực lên giá quặng sắt , đặc biệt khi các nhà máy thép đang phải đối mặt với áp lực cắt giảm sản lượng, một phần do chính sách hạn chế khí thải của Chính phủ.
Vicky Wei, chuyên gia phân tích tại Horizon Insights, nhận định: "Gần đây, một số nhà sản xuất đã cắt giảm mạnh sản lượng, giúp cân bằng cung cầu. Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng mức tiêu thụ tăng trưởng trừ khi có các biện pháp kích thích mới".
>> Vụ Hòa Phát và Formosa ‘tuyên chiến’ thép Trung Quốc, Phó Thủ tướng có chỉ đạo liên quan 
Tiết lộ lý do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc dừng mua vàng 3 tháng liên tiếp 
Thái Lan chính thức áp thuế chống bán phá giá 30,91% với thép cuộn cán nóng Trung Quốc