Mỏ được ước tính có trữ lượng quặng sắt cao cấp chưa được khai thác lớn nhất thế giới.
Dự án khai thác quặng sắt  Simandou tại Guinea – nơi các công ty Trung Quốc đã đặt cược hàng tỷ USD – sẽ đi vào sản xuất vào năm tới, theo công ty khai thác mỏ Rio Tinto.
Samuel Gahigi, Giám đốc điều hành của Rio Tinto Guinea, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng mỏ sẽ sẵn sàng bắt đầu hoạt động vào trước khi cơ sở hạ tầng đường sắt và cảng để xuất khẩu quặng được hoàn thành. Theo Gahigi, dự án hiện đã hoàn thiện được 30 đến 35% về cơ sở hạ tầng
Mỏ nằm ở vùng núi Simandou ở phía Đông Nam vùng Nzérékoré thuộc Cộng hòa Guinea. Dãy núi trải dài hơn 100km và được cho là sở hữu trữ lượng quặng sắt cao cấp chưa được khai thác lớn nhất thế giới, ước tính đạt hơn 2 tỷ tấn.
Dự án khai thác quặng sắt Simandou |
“Kế hoạch của chúng tôi là khai thác quặng sắt đầu tiên vào năm tới”, Gahigi cho biết tại Kigali, Rwanda, bên lề Diễn đàn CEO Châu Phi hồi đầu tháng này. Tuy nhiên, ông cho biết việc xuất khẩu quặng sắt có thể bị trì hoãn cho đến năm 2026, khi cơ sở hạ tầng đường sắt và cảng dự kiến hoàn thành.
Hội đồng quản trị Rio Tinto và các đối tác chung, bao gồm cả các công ty Trung Quốc , kể từ đó đã đưa ra các cam kết tài chính cho dự án 20 tỷ USD – một động lực lớn cho mỏ sau ba thập kỷ khởi đầu sai lầm, thất bại và bê bối.
Djiba Diakité, Chủ tịch ủy ban giám sát dự án Simandou, cho biết dự án “không còn là giấc mơ mà đã sắp trở thành hiện thực”. “Không còn nghi ngờ gì nữa, dự án sẽ được giao đúng tiến độ vào cuối tháng 12/2025”, ông nói thêm.
Gahigi cho biết dự án Simandou rất quan trọng đối với ngành bởi chất lượng của nó – quặng sắt chất lượng cao – sẽ góp phần khử cacbon trong quá trình chế biến thép.
Theo Gahigi, một tấn quặng sắt hiện tạo ra 2 tấn carbon dioxide. Nhưng một tấn quặng sắt Simandou, với hàm lượng quặng sắt lên tới 60-66,5%, sẽ tạo ra ít carbon dioxide hơn rất nhiều - tương đương khoảng nửa tấn.
Giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào quặng sắt từ Australia và Brazil
Gahigi cũng cho biết khoảng một nửa hoặc nhiều hơn trữ lượng quặng sắt có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc - nước tiêu thụ quặng sắt và nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới - vì các công ty Trung Quốc hiện nắm giữ cổ phần kết hợp cao hơn từ hai địa điểm khai thác tại Simandou. Ông nhận định: “Đây cũng là một phần trong cuộc chạy đua khử cacbon của Trung Quốc”.
Liz Gao, nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn hàng hóa CRU Group, trước đó cho biết khi đi vào hoạt động, Simandou có thể sẽ thay thế một số chuyến hàng quặng sắt của Brazil và Australia sang Trung Quốc, mặc dù hai nước này sẽ giữ vị trí thống lĩnh thị trường.
Trung Quốc hiện phụ thuộc vào nguồn cung từ Australia và Brazil, hai quốc gia chiếm hơn 80% lượng quặng sắt xuất khẩu bằng đường biển toàn cầu.
Gao cho biết: “Simandou sẽ mang khoảng 120 triệu tấn quặng ra thị trường, đưa Guinea trở thành nước xuất khẩu quặng sắt lớn thứ ba trên toàn cầu”.
Ảnh minh họa |
Bà cho biết khoản đầu tư của Trung Quốc là một phần trong mục tiêu theo đuổi lâu dài của Bắc Kinh nhằm nắm giữ cổ phần lớn hơn trong các dự án quặng sắt tại nước ngoài. “Chúng tôi ước tính rằng quyền sở hữu của Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 5% nguồn cung quặng sắt toàn cầu”, Gao nhấn mạnh.
Khối 1 và 2 trong số bốn khối nhượng quyền khai thác mỏ của Simandou đang được phát triển bởi Winning Consortium Simandou (WCS), với các cổ đông bao gồm Winning International Group of Singapore, China Shandong Weiqiao Group và China Baowu Steel Group. Các khối này hiện có trữ lượng ước tính hơn 1,8 tỷ tấn, với hàm lượng sắt hơn 65,5%.
Hai khối còn lại thuộc sở hữu của Rio Tinto như một phần của liên doanh Simfer với công ty Chalco Iron Ore Holdings của Trung Quốc và Chính phủ Guinea. Yêu cầu vốn ban đầu của Simfer cho dự án ước tính khoảng 11,6 tỷ USD, trong đó phần của Rio Tinto là 6,2 tỷ USD.
Gahigi mô tả dự án này là “bước ngoặt” và là động lực phát triển có thể giúp tăng tổng sản phẩm quốc nội của Guinea lên 50% từ năm 2026. Ông cho biết ước tính Guinea có thể kiếm được từ 2 tỷ đến 3 tỷ USD từ dự án kể năm 2030.