Thế giới

‘Thời khắc đã điểm’: Một loạt Ngân hàng Trung ương hàng đầu thế giới sắp tiến hành cắt giảm lãi suất như thế nào?

Đào Doãn 03/08/2024 09:00

Nhiều Ngân hàng Trung ương hàng đầu đã bắt đầu cắt giảm lãi suất hoặc “rục rịch” xoay trục. Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao Ngân hàng Trung ương Nhật Bản khi quốc gia này vừa có hướng đi ngược lại.

Động thái cắt giảm lãi suất trên toàn cầu đang tăng tốc khi một nửa Ngân hàng Trung ương của các nền kinh phát triển đã bắt đầu xoay trục, đồng thời Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ có hành động vào cuộc họp tháng 9 tới.

Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao Ngân hàng Trung ương Nhật Bản khi quốc gia này vừa có hướng đi ngược lại, với việc tăng lãi suất lên mức cao nhất 15 năm hôm thứ 4.

Theo Reuters, các Ngân hàng Trung ương hàng đầu đã và đang dự kiến sẽ thực hiện những động thái đầu tiên về việc cắt giảm lãi suất.

‘Thời khắc đã điểm’: Một loạt Ngân hàng Trung ương hàng đầu thế giới sắp tiến hành cắt giảm lãi suất như thế nào? - ảnh 1
Động thái cắt giảm lãi suất trên toàn cầu đang tăng tốc

Thụy Sĩ

Tháng 3, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) đã cắt giảm lãi suất và tiếp tục hạ lãi suất xuống 1,25% vào tháng 6. Dự kiến nước này sẽ cắt giảm lãi suất thêm vào tháng 9.

Lạm phát ở Thụy Sĩ đã giảm xuống mức 1,3% so với cùng kỳ năm trước, nằm chắc chắn trong phạm vi mục tiêu của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ.

Canada

Thị trường đang dự đoán có nhiều đợt cắt giảm lãi suất từ Ngân hàng Trung ương Canada (BOC), trong bối cảnh nền kinh tế này đang chuyển từ việc kiểm soát lạm phát sang bảo vệ nền kinh tế.

BOC đã hạ lãi suất xuống 4,5% kể từ tháng 6. Tăng trưởng dân số đã giúp Canada tránh được suy thoái, nhưng lại làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, trong khi các đợt tăng lãi suất trước đó đã làm giảm chi tiêu tiêu dùng và nhu cầu nhà ở.

Thụy Điển

Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) đã chấm dứt đợt thắt chặt tiền tệ vào tháng 5 với lần cắt giảm lãi suất đầu tiên. Nước này được cho là sẵn sàng cắt giảm thêm hai hoặc ba lần nữa trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và nền kinh tế suy giảm mạnh. Lãi suất của Thụy Điển hiện ở mức 3,75%.

Khu vực đồng euro

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã giữ nguyên lãi suất ở mức 3,75% vào tháng trước, sau khi cắt giảm vào tháng 6, đồng thời từ chối thảo luận về động thái tiếp theo của mình.

Lạm phát trong khu vực đồng euro đã giảm gần về mức mục tiêu của ECB, nhưng áp lực giá dịch vụ đã khiến một số nhà hoạch định chính sách của ECB cẩn trọng. Thị trường đang dự đoán khoảng 70% khả năng rằng ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Vương quốc Anh

Ngày 1/8, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã cắt giảm lãi suất từ mức cao nhất trong 16 năm sau một cuộc bỏ phiếu giữa các nhà hoạch định chính sách về việc liệu áp lực lạm phát đã giảm đủ hay chưa.

Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 3/2020. Thống đốc Andrew Bailey cho biết Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BOE sẽ hành động thận trọng trong thời gian tới.

Mỹ

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vừa phát tín hiệu rằng lãi suất có thể sẽ được cắt giảm vào tháng 9 trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể.

Fed đang hướng tới kịch bản cắt giảm 0,25 điểm phần trăm đầu tiên sau khi giữ lãi suất trong phạm vi 5,25% đến 5,5% trong suốt 1 năm qua vì lo ngại nền kinh tế sẽ suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

New Zealand

Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ) đã giữ lãi suất ở mức 5,5% tại cuộc họp tháng 7, nhưng cũng để ngỏ khả năng nới lỏng nếu lạm phát chậm lại. Thị trường cho rằng RBNZ có khả năng giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 14/8, sau đó cắt giảm lãi suất vào tháng 10.

Na Uy

Lạm phát lõi hàng năm của Na Uy, không bao gồm giá năng lượng và thuế, đã giảm nhanh hơn dự kiến xuống 3,6% vào tháng 6. Con số này vẫn còn cao đối với Ngân hàng Trung ương.

Nước này được cho là sẽ giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 16 năm là 4,5% cho đến đầu năm 2025, mặc dù các thị trường tương lai đang cho rằng có khoảng 50% khả năng lãi suất sẽ được điều chỉnh vào tháng 12.

Úc

Mới đây, báo cáo chỉ ra lạm phát lõi của Úc đã thấp hơn dự đoán và làm thay đổi “bức tranh” của Ngân hàng Trung ương (RBA). Thị trường trước đó dự đoán có khả năng RBA sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách vào ngày 5-6/8 nhưng giờ đây điều này đã bị loại bỏ. Họ thấy có 70% khả năng RBA sẽ cắt giảm lãi suất từ mức cao nhất trong 12 năm vào cuối năm nay.

Nhật Bản

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) là ngoại lệ. Là một Ngân hàng Trung ương duy trì chính sách nới lỏng cho đến năm ngoái, BOJ mới đây đã thông bố tăng lãi suất chính sách lên 0,25% từ mức 0-0,1%, mức cao chưa từng thấy trong 15 năm.

Đồng thời, BOJ cũng quyết định cắt giảm lượng trái phiếu Chính phủ mua vào hàng tháng, xuống còn 3.000 tỷ yên/tháng (20 tỷ USD/tháng) từ mức 6.000 tỷ yên/tháng. Chính sách này sẽ bắt đầu được áp dụng vào tháng 3/2026.

Theo đó, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda không loại trừ khả năng tăng lãi suất thêm trong năm nay.

Tham khảo Reuters

>> 'Gió đổi chiều': Hàng loạt Ngân hàng Trung ương sẽ đảo ngược chính sách lãi suất trong năm 2024

Chứng khoán Mỹ ‘xanh mướt’ sau khi Chủ tịch Jerome Powell ‘phát tín hiệu’ Fed có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9

CEO Goldman Sachs ‘quay xe’, dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/thoi-khac-da-diem-mot-loat-ngan-hang-trung-uong-hang-dau-the-gioi-sap-tien-hanh-cat-giam-lai-suat-nhu-the-nao-124916.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    ‘Thời khắc đã điểm’: Một loạt Ngân hàng Trung ương hàng đầu thế giới sắp tiến hành cắt giảm lãi suất như thế nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH