Bốn Ngân hàng Trung ương giám sát 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất và hàng loạt ngân hàng khác ở các thị trường đang phát triển vừa tổ chức các cuộc họp chính sách.
Lãi suất tại các Ngân hàng Trung ương lớn vẫn ổn định trong tháng 4. Nguyên nhân được cho là vì nhiều khả năng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)  sẽ vẫn cao trong thời gian dài hơn - gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi.
Có bốn Ngân hàng Trung ương giám sát 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất đã tổ chức các cuộc họp vào tháng 4, bao gồm: Ngân hàng Trung ương Nhật Bản  (BOJ), Ngân hàng Trung ương Canada (BOC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ) đều giữ nguyên lãi suất. Còn các nhà hoạch định chính sách ở Thụy Sĩ, Thụy Điển, Úc, Na Uy và Anh đã không tổ chức các cuộc họp ấn định lãi suất trong tháng 4.
Trong khi đó, Fed cũng đã giữ nguyên phạm vi lãi suất ở mức 5,25% - 5,5% sau khi kết thúc cuộc họp chính sách hôm thứ tư, ngày 1/5. Dữ liệu của Mỹ cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng cũng còn áp lực lạm phát đáng lo ngại. Điều này củng cố sự khác biệt giữa Ngân hàng Trung ương hàng đầu thế giới và các ngân hàng khác trong nhóm G10.
Bốn Ngân hàng Trung ương giám sát 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất đã tổ chức các cuộc họp vào tháng 4 |
Người đứng đầu bộ phận Dự báo tại SEB - Daniel Bergvall cho biết: “Việc hạ nhiệt lạm phát vẫn tiến triển nhưng không ổn định - khiến các NHTW phải chờ đợi lâu hơn và cắt giảm lãi suất cơ bản chậm hơn. Điều này hiện đang tạo ra các kịch bản khác nhau cho các NHTW lớn”.
Trong khi đó, dữ liệu của LSEG chỉ ra thị trường tiền tệ đang nhận thấy nhiều khả năng ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6, trong khi lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed được dự đoán xảy ra vào tháng 11.
Khả năng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn của Mỹ cũng định hình việc hoạch định chính sách ở các nền kinh tế mới nổi - vốn đã đi trước các nền kinh tế phát triển khác trong cả chu kỳ thắt chặt và nới lỏng gần đây.
Nổi bật trong tháng 4, trong mẫu khảo sát 18 Ngân hàng Trung ương ở các nền kinh tế đang phát triển của Reuters, đợt tăng lãi suất bất ngờ của Indonesia - lần đầu tiên kể từ tháng 10 - đã gây bất ngờ. Nó diễn ra trong nỗ lực củng cố đồng rupiah vốn đã giảm xuống mức thấp nhất 4 năm so với USD. Còn 9 NHTW khác ở các thị trường đang phát triển cũng đã tổ chức các cuộc họp và giữ nguyên lãi suất cơ bản.
Sergei Strigo, thành viên cấp cao tại Amundi Asset Management cho biết: “Đối với tôi, động lực chính cho hành động của các thị trường mới nổi trong năm nay là yếu tố toàn cầu, đó là Fed. Hoạch định lại việc cắt giảm lãi suất là rất quan trọng vì thị trường hiện đang dự đoán Fed chỉ có một lần cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay và có thể là rất muộn”.
Mặt khác, tổng số lần tăng lãi suất từ đầu năm đến nay trên các thị trường mới nổi được ghi nhận là 775 điểm cơ bản và gần như tất cả đều do Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện.