Thông tin kinh tế tài chính ngày 24/10: Lợi suất trái phiếu toàn cầu lập đỉnh nhiều năm; đồng USD tăng mạnh, các quốc gia nhập khẩu dầu lao đao; giá vàng thế giới lạc quan trước ngày Fed họp
Lợi suất trái phiếu toàn cầu lập đỉnh nhiều năm
Giá trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm trong phiên 21/10 đẩy lợi suất của hầu hết loại trái phiếu lên cao nhất kể từ năm 2007 khi các nhà hoạch định chính sách của nước này đánh tín hiệu quyết tâm tăng lãi suất cho đến khi lạm phát được kiểm soát.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 5 năm của Mỹ lần đầu tiên vượt 4,5% kể từ năm 2007, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,34%. Xu hướng này lan rộng khắp thị trường trái phiếu thế giới với giá trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm lên hơn 2,5% lần đầu tiên kể từ năm 2011.
Giới đầu tư cũng đặt cược Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tăng lãi suất, với hơn 90% khả năng họ sẽ tăng 0,75% trong cuộc họp chính sách vào tuần tới. Thị trường tiền tệ kỳ vọng lãi suất cơ bản tại châu Âu sẽ tăng lên 3,25% vào mùa hè năm 2023. Lợi suất trái phiếu tại khu vực này theo đó cũng được đẩy lên cao.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức càng có động lực tăng sau khi hạ viện thông qua kế hoạch vay 200 tỷ euro (195 tỷ USD) để giải quyết khủng hoảng năng lượng cũng như tạm ngừng áp dụng đạo luật về giới hạn nợ ròng trong năm nay.
Cũng trong phiên 21/10, lợi suất trái phiếu chính phủ Australia kỳ hạn 3 năm tăng 0,15% lên cao nhất 10 năm ở 3,78%.
Ở Nhật Bản, ngân hàng trung ương buộc phải can thiệp lần thứ hai để cố gắng giữ lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức trần 0,25% khi đồng yên xuống thấp nhất 32 năm so với USD.
Đồng USD tăng mạnh, các quốc gia nhập khẩu dầu lao đao
Giá dầu Brent đã giảm hơn 30% so với mức đỉnh được ghi nhận hồi đầu năm nay, nhưng bạn sẽ không biết điều này nếu sống ở Paris, Mumbai hay Accra.
Đà giảm của giá dầu toàn cầu từ mức gần 128 USD/thùng xảy ra trong thời điểm đồng USD tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa là giá nhiên liệu vẫn là một yếu tố quan trọng khiến chi phí sinh hoạt ở hầu hết khu vực trên thế giới bị đẩy lên cao.
Các quốc gia và khu vực tiêu thụ dầu thô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu đều chứng kiến giá dầu trên thực tế giảm ít hơn giá dầu chuẩn của thế giới (Brent). Còn với một số nền kinh tế mới nổi như Sri Lanka, tác động từ đà giảm của giá dầu cũng như đà lao dốc của nội tệ so với USD khiến nền kinh tế gần như sụp đổ.
Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích hàng hóa tại UBS Group AG cho biết: “Đồng USD tăng giá là một yếu tố bất lợi đối với những quốc gia tiêu thụ dầu mỏ mà đồng nội tệ của họ không liên hệ với đồng bạc xanh. Trong 12 tháng qua, giá dầu tăng mạnh hơn nhiều nếu tính theo nội tệ của một số quốc gia”.
Giá vàng thế giới lạc quan trước ngày Fed họp
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ tăng 1,74% lên 1.656,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2022 trên sàn Comex New York tăng 1,57% lên 1.662,5 USD/ounce.
Giá vàng thế giới chứng khiến đợt phục hồi vào phiên cuối tuần trước kỳ vọng vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất. Các nhà phân tích đang chú ý đến dữ liệu GDP và báo cáo thu nhập của người dân Mỹ trong quý III để có cái nhìn rõ hơn về tình hình kinh tế Mỹ.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của OANDA cho hay, ông quan tâm nhiều đến dữ liệu GDP quý III của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 27/10. Ông cho biết, thị trường đang kỳ vọng vào GDP sẽ phục hồi 2,1% sau kết quả hai quý đầu năm tiêu cực.
Theo The Wall Street Journal, thị trường đang phản ứng rất tích cực trước kỳ vọng Fed sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất sau đợt điều chỉnh lãi suất thêm 75 điểm phần trăm trong tháng 11. Nhiều tín hiệu cho thấy Fed sẽ điều chỉnh lãi suất thêm 50 thay vì 75 điểm phần trăm vào tháng 12.
Theo các nhà phân tích, dự kiến thị trường tuần này biến động mạnh, nhiều xu hướng vàng sẽ tăng giá trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư ngày càng lạc quan hơn trước những tín hiệu làm chậm tốc độ tăng lãi suất của Fed.
Elon Musk có khả năng không mua được Twitter
Chính phủ Mỹ được cho đang thảo luận khả năng đánh giá mức độ an ninh quốc gia với một số dự án kinh doanh của Elon Musk, bao gồm thương vụ mua lại mạng xã hội Twitter.
Kế hoạch thâu tóm Twitter với giá 44 tỷ USD của vị tỷ phú có sự hỗ trợ của một số nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm Hoàng tử Alwaleed bin Talal của Saudi Arabia, quỹ đầu tư quốc gia Qatar và sàn giao dịch tiền mã hóa Binance do Changpeng Zhao, người gốc Trung Quốc sáng lập. Theo Bloomberg, những cái tên này khiến các quan chức chính phủ Mỹ lo ngại.
Ưu tiên nguồn lực giám sát 24/7 các hệ thống thông tin dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 
Thông tin kinh tế tài chính ngày 28/2: Phố Wall xanh trở lại, tỷ giá USD quay đầu