Thu nhập 800 triệu đồng/năm nhưng tiết kiệm bằng 0: Lối chi tiêu của cặp vợ chồng trẻ khiến dân mạng ‘ngao ngán’
Vấn đề khó khăn của cặp vợ chồng này là việc tiết kiệm gần như không khả thi vì chi tiêu hàng tháng luôn hết sạch.
Trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính, lời tâm sự của một cô vợ 26 tuổi về việc cả gia đình không tiết kiệm được đồng nào dù tổng thu nhập lên đến 800 triệu đồng/năm đã thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Theo đó, sau một năm, tổng lương thưởng của hai vợ chồng cô đạt khoảng 800 triệu đồng. Họ sở hữu một căn hộ trả góp đứng tên chồng, một mảnh đất đứng tên vợ và dự định xây nhà vào năm sau. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là việc tiết kiệm gần như không khả thi vì chi tiêu hàng tháng luôn hết sạch.
Cô chia sẻ: "Về mức sống vẫn ổn định và không thấy thiếu thốn gì ạ. Nhưng mà lại bất cập trong việc tiết kiệm tiền, năm 2024 hầu như không tiết kiệm được vì cứ tháng nào là hết sạch tháng đó".
Theo cô, gia đình chi tiêu rất thoải mái, đặc biệt cho việc mua sắm và ăn uống. “Tiền nhà, tiền học cho con, ăn uống thả ga, mua hàng online tháng nào cũng ngót nghét 20 triệu đồng. Chẳng hiểu mua cái gì mà cứ mua mãi. Mà e cũng không phải mua đồ mắc tiền gì, cứ mua đồ dùng hằng ngày rồi quần áo, đồ ăn thôi ạ”, cô thừa nhận.
Bên cạnh đó, hàng tháng cô còn biếu riêng 12-20 triệu đồng cho gia đình mẹ đẻ, từ tiền đi chợ, điện nước đến học phí của em trai và em gái. Điều này dẫn đến bất hòa giữa hai vợ chồng.
Người vợ bộc bạch: "Em vẫn nghĩ là phận con cái, trong khi mình có thể giúp đỡ được thì nên chia sẻ gánh nặng kinh tế với gia đình khi có thể. Thời gian 1-2 năm đầu, chồng em vẫn rất bình thường với việc này, vì em sinh con và chăm sóc con thì gia đình mẹ đẻ có giúp đỡ việc chăm bé. Nhưng về sau thì chồng em bắt đầu không vui và có nói sao phải gánh việc này cả đời, đây không phải trách nhiệm của em".
Cô chia sẻ câu chuyện này với mục đích mong nhận được lời khuyên cách tiết kiệm được tiền và quản lý tài chính chặt chẽ.
Lời chia sẻ của cô nhanh chóng thu hút hàng loạt bình luận từ cộng đồng. Nhiều người đồng tình, với mức thu nhập 800 triệu đồng/năm, cặp đôi hoàn toàn có thể tiết kiệm được một khoản lớn nếu biết cách quản lý tài chính.
Theo phần đông ý kiến, có 2 nguyên nhân chính khiến gia đình này không thể tiết kiệm. Thứ nhất, cặp đôi chưa biết hạ tiêu chuẩn chất lượng sống và còn chi tiêu thiếu kiểm soát, đặc biệt cho mua sắm online. Thứ hai, người vợ đang biếu khá nhiều tiền cho gia đình mẹ đẻ, gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tài chính và gây căng thẳng trong mối quan hệ vợ chồng.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- "Thu nhập 70-80 triệu/tháng thì phải dành được 50% tiết kiệm chứ nhỉ. Nếu không dư bạn nên ghi chép lại các khoản chi phí rồi dựa vào đó xem cái nào cần thiết cái nào không cần thiết thì nên cắt bỏ đi”.
- “1. Mình đồng ý với chồng bạn vì quan điểm là có gia đình rồi nên cân bằng mối quan hệ nội ngoại. Kể cả bạn dư dả nhưng cũng cần có chừng mực. Nên quy định 1 tháng 7 triệu hay 10 triệu. Còn lại mẹ và các em cần phải cố gắng để kiếm thêm.
2. Tích góp để trả hết chung cư và xây nhà đi bạn. Cuộc đời trời cho được vài năm, chi tiêu không biết thu vén, tiết kiệm và khoản dự phòng đến khi gãy cánh lại bị chồng chửi đó. Mà chồng chửi không oan đâu ấy”.
- “1. Chị thấy về gia đình mẹ đẻ em, em chỉ nên chu cấp cơ bản, kiểu 1 tháng biếu mẹ 5 triệu để tiêu, còn các em đi học (chắc các em của em cũng lớn nên các em ấy cũng phải biết phụ giúp gia đình), nếu có giúp đỡ chuyện học thì giúp học phí cho các em nhỏ thôi và cần có 1 định mức cụ thể). Tổng tất cả chi phí dành cho gia đình mẹ đẻ chỉ là 5 triệu hay 7 triệu.
2. Các app thương mại điện tử thì em nên xoá hết và chỉ mua đồ khi cần. Càng để app thì em càng xem livestream nhiều thì càng mua nhiều.
3. Muốn tiết kiệm chi phí gia đình thì em áp dụng quy tắc 6 cái lọ. Kể cả về các khoản chi tiêu thì cũng nên cân nhắc xem cái nào chi được, cái nào không nên chi. Chứ kiếm được 80 triệu/tháng mà ko tiết kiệm được ngày nào thì phải xem lại chính mình em ạ!
4. Em cần phải đặt mục tiêu tiết kiệm trước, chi tiêu sau và cố gắng chi trong khung mà mình đặt ra".
- "Gia đình mình có thu nhập cỡ bạn, trung bình 1 năm kiếm được 1 tỷ và năm nào cũng dư 400-500 triệu. Bí quyết của mình đó là để dành trước xài sau. Nhiều người xài hết tiền hay có câu, sao mình không xài gì mà vẫn hết tiền? Bạn hôm qua ăn gì, bữa nay còn quên thì nói chi tỷ tỷ thứ tiền. Mỗi tháng bạn cứ thử bỏ 50 triệu vào ngân hàng, còn 20-30 triệu cả nhà gói ghém lại. Lúc đó bạn sẽ phải dè xẻn chi tiêu hợp lý thôi".
Cặp vợ chồng trẻ thu nhập 800 triệu đồng/năm nhưng không tiết kiệm được đồng nào. Ảnh minh họa |
Làm thế nào để vợ chồng tiết kiệm hiệu quả?
Việc tiết kiệm đòi hỏi sự đồng lòng từ cả hai vợ chồng và một chiến lược quản lý tài chính hợp lý. Bạn có thể thử áp dụng các gợi ý sau:
1. Rà soát thu nhập và chi tiêu
Vợ chồng nên thành thật với nhau về các khoản thu nhập, từ đó lên mục tiêu tiết kiệm và duy trì tiền trong tài khoản hàng tháng. Ngoài ra, gia đình cần ghi chép lại các khoản chi tiêu để kiểm soát và cắt giảm những mục không cần thiết.
2. Phân bổ thu nhập hợp lý
Thay vì tính tiền tiết kiệm cuối tháng bằng cách lấy thu nhập trừ đi chi tiêu, hãy phân chia thu nhập thành các khoản tiêu dùng nhỏ. Chẳng hạn như sử dụng 40% thu nhập của gia đình để chi tiêu hàng ngày, 30% cho tiết kiệm bắt buộc, 20% cho giáo dục và 10% cho dự phòng khẩn cấp.
Đặc biệt, hãy tiết kiệm 30% thu nhập hàng tháng của bạn dưới dạng tiết kiệm bắt buộc, sau đó mới tính đến dùng tiền lương vào những khoản tiêu dùng khác.
3. Hạn chế mua sắm không cần thiết
Bạn chỉ nên mua những món đồ thực sự cần thiết và mang lại giá trị thiết thực cho cuộc sống, đồng thời tránh bị cuốn hút bởi quảng cáo hoặc các ứng dụng mua sắm. Một món đồ được coi là hữu ích khi nó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. Ngược lại, nếu món đồ không mang lại lợi ích rõ ràng, bạn hãy cân nhắc đưa nó vào danh sách những thứ không cần mua trong tương lai.
Tạm biệt trà sữa, quần áo mới: Tôi tìm thấy bình yên tài chính 
4 bí mật tâm lý khiến bạn vô thức rơi vào vòng xoáy tài chính mà không hề nhận ra