Thủ tướng: Không để bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ, không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, không để tiêu cực, tham nhũng, sơ hở trong quản lý hệ thống ngân hàng.
Sáng 8/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam  (NHNN).
Cùng dự Hội nghị có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng; các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Theo các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị, năm 2023, NHNN đã bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nghiêm túc quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và bảo đảm sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành ngân hàng tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ. Kết thúc năm 2023, về cơ bản, ngành đã đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra, đó là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thị trường tiền tệ ngoại hối về cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất giảm, đưa mặt bằng lãi suất trở về mức lãi suất trước dịch COVID-19; VND là 1 trong những đồng tiền ổn định trong khu vực và trên thế giới, năm 2023 VND mất giả khoảng 2,9%; an toàn hoạt động ngân hàng được bảo đảm, các nội dung chuyển đổi số đạt các chỉ tiêu đề ra...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, đánh giá mặt được, mặt hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị để đề xuất các giải pháp trong năm 2024, tập trung trao đổi về những vấn đề trọng tâm như điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tỉ giá, ngoại hối để bảo đảm hài hoà mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Đảng, Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo; vấn đề tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; vấn đề chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ngân hàng, triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn năm 2030...
Lượng tiền gửi năm 2023 cao nhất trong lịch sử
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế; hoạt động ngân hàng có tính khoa học, tính đại chúng và cũng rất nhạy cảm, tác động lan tỏa, liên quan mật thiết tới tâm lý người dân và các vấn đề xã hội. Do đó, hoạt động ngân hàng cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực, tổ chức thực hiện phù hợp để hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, an toàn, bền vững, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong năm 2023, đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước trong bối cảnh tình hình gặp nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra.
Thủ tướng cho rằng, cần phân tích rõ hơn nguyên nhân của những thành quả và những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn hoạt động ngân hàng năm 2023.
Nhấn mạnh những kết quả nổi bật của hoạt động ngân hàng năm 2023, Thủ tướng nêu rõ, NHNN đã đóng góp quan trọng vào mục tiêu của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định thị trường ngoại hối, tỉ giá.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, đặc biệt là sức ép lạm phát tăng cao và sự lên giá của các đồng tiền chủ chốt, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời và phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; góp phần tham mưu chuyển hướng chính sách kịp thời, từ "chặt chẽ" sang "nới lỏng, linh hoạt". Giá trị tiền đồng Việt Nam được giữ ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực. Đây là những kết quả tích cực giúp cho nền kinh tế ta tiếp tục được nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao.
NHNN đã hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng nhiều giải pháp, chính sách cụ thể. Nổi bật là thực hiện 4 lần điều chỉnh giảm liên tục các mức lãi suất điều hành; quyết liệt điều hành tăng trưởng tín dụng trong quý IV và cuối năm 2023, đến ngày 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 13,71% so với cuối năm 2022.
NHNN đã phát huy tốt vai trò điều hành, giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tiếp tục quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. NHNN đã tích cực rà soát, hoàn thiện thể chế về tiền tệ và ngân hàng, và kịp thời xác định, tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển một số thị trường quan trọng; tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ban hành kịp thời các Thông tư số 03, 06, 10 hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản… Điều hành, giám sát, bảo đảm hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định và luôn trong tầm kiểm soát.
NHNN tiếp tục là ngành tiên phong trong chuyển đổi số, cải cách hành chính, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần tối ưu các chi phí cho nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh. 7 năm qua, NHNN đứng đầu các bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính (Par Index).
Đáng chú ý, năm 2023, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Điều này cho thấy thu nhập được cải thiện của người dân và sự tin tưởng của người dân vào Đảng, Nhà nước và hệ thống ngân hàng. Đây là nguồn lực lớn để phát triển đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng cho rằng ngành ngân hàng cần cố gắng hơn nữa trong bám sát, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, đúng thời điểm; hoạt động ngân hàng chấp nhận có rủi ro nhưng cần lưu ý hơn nữa các công cụ kiểm soát rủi ro; phối hợp tốt hơn nữa với các bộ, ngành; thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn nữa với doanh nghiệp và người dân trong lúc khó khăn; coi trọng hơn nữa công tác thanh tra, giám sát.
Quán triệt, thực hiện "5 quyết tâm" trong năm 2024
Năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục củng cố và tăng cường đoàn kết, đồng hành, phối hợp, chia sẻ, giúp đỡ trong hệ thống ngân hàng; giữa các cấp, các ngành, các cơ quan với hệ thống ngân hàng; giữa hệ thống ngân hàng với doanh nghiệp và người dân.
Cùng với đó, tiếp tục quán triệt "5 quyết tâm" mà Chính phủ đã xác định trong năm 2023 (quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức; quyết tâm không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thật; quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024).
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025, NHNN và toàn ngành Ngân hàng cần bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024.
"Không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ, không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, không để tiêu cực, tham nhũng, sơ hở trong quản lý hệ thống ngân hàng, làm sao phát triển hệ thống ngân hàng nhanh, toàn diện, bao trùm bền vững, góp phần quan trọng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững theo Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra", Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng đồng thời lưu ý cần điều hành cân bằng hài hòa, hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát, bảo đảm cái này thúc đẩy cái kia.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham luận, đánh giá mặt được, mặt hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị để đề xuất các giải pháp trong năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế để có phản ứng chính sách kịp thời. Chú trọng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác trên cơ sở nền tảng kinh tế vĩ mô tốt.
Thủ tướng hoan nghênh việc NHNN đã có những cơ chế mới đối với việc điều hành tín dụng năm 2024 khi giao ngay hạn mức tín dụng từ 1/1 cho tất cả các tổ chức tín dụng là 15%; đồng thời lưu ý điều hành tín dụng linh hoạt, kịp thời và phù hợp, theo dõi, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tăng trưởng tín dụng.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng tốt hơn, đúng và trúng hơn, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên. Đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi.
Tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025", phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra; có giải pháp kịp thời, hiệu quả kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại, sai phạm, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt và mở rộng hệ sinh thái số để đáp ứng kịp thời các nhu cầu của nền kinh tế. Thủ tướng lưu ý cần có chính sách tín dụng phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên, mới nổi, trong đó có chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, hạ tầng chiến lược, hạ tầng y tế, y tế giáo dục…
Tập trung rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy hoạt động tiền tệ, ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bắt kịp với xu thế, chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp tiếp theo. Rà soát, đánh giá sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản pháp luật quy định nghiệp vụ còn chưa phù hợp thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn.
Tập trung phát triển đội ngũ cán bộ, xây dựng bộ máy tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh hơn nữa đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Kiện toàn bộ máy và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát theo tinh thần phòng ngừa, cảnh báo, ngăn chặn từ sớm, từ xa, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, "chữa bệnh phải dứt việc, để người bệnh khỏe mạnh mới thôi", xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2024.
Đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền tối đa để cấp dưới xử lý kịp thời nhất các diễn biến rất nhanh của hoạt động ngân hàng. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác truyền thông, nhất là hướng dẫn người dân, như cảnh báo lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn…
Đối với các tổ chức tín dụng, hiệp hội ngân hàng, Thủ tướng biểu dương sự trưởng thành, phát triển rất nhanh, một số ngân hàng thương mại được các đối tác quốc tế đánh giá cao, mua lại cổ phần…
Thủ tướng mong muốn các ngân hàng tiếp tục nghiêm túc thực hiện, tuân thủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ và NHNN, bảo đảm kinh doanh hiệu quả, an toàn, lành mạnh; chia sẻ hơn nữa với người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, cùng phát triển trong hệ sinh thái chung, thúc đẩy hơn nữa niềm tin của người dân và doanh nghiệp; rà soát điều kiện, thủ tục (nhất là về tài sản thế chấp, về thủ tục cho vay) để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống.
Thủ tướng lưu ý tránh tình trạng người dân đến ngân hàng gửi tiền thì nhân viên ngân hàng lại giới thiệu những kênh đầu tư có lãi suất, lợi nhuận cao hơn nhưng nhiều rủi ro.
Thủ tướng khẳng định quan điểm của Chính phủ trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể trong nền kinh tế, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhưng xử lý nghiêm những hành vi sai phạm.
Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra đối với ngành ngân hàng trong năm 2024 và thời gian tới là rất cao, rất khó khăn, nhưng Thủ tướng tin tưởng rằng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.
7 giải pháp điều hành chính sách tiền tệ đạt được trong năm 2023 gồm những gì? 
Thống đốc NHNN: 5 định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2024