Vĩ mô

Thủ tướng: Loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống tham nhũng, phòng ngừa sai phạm

Hà Văn 27/02/2024 - 18:46

Kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án luật; đặc biệt nhấn mạnh cần loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa sai phạm; cắt giảm tối đa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, không gây phiền hà, giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát; từ đó khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng: Loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống tham nhũng, phòng ngừa sai phạm- Ảnh 1.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 27/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2024. Cùng tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan.

Tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét cho ý kiến, quyết nghị về nhiều nội dung quan trọng: Dự án Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao; đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số; đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024…

Thủ tướng: Loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống tham nhũng, phòng ngừa sai phạm- Ảnh 2.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chính phủ đã nghe cơ quan chủ trì trình bày tóm tắt các dự án luật, đề nghị xây dựng luật; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến xây dựng các dự án luật; tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành; xem xét về quy trình, thủ tục chuẩn bị; các yêu cầu, nguyên tắc xây dựng luật; tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; đồng thời phân tích sâu các vấn đề quan trọng và còn có nhiều ý kiến khác nhau tại các dự án luật, đề nghị xây dựng luật.

Về dự án Luật Phòng không nhân dân (do Bộ Quốc phòng chủ trì), các thành viên Chính phủ tập trung cho ý kiến về các nội dung: Việc tổ chức lực lượng phòng không nhân dân trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; các trường hợp được miễn trừ cấp phép bay khi khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; điều kiện khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đối với trường hợp phải được cấp phép bay; đánh giá tác động đối với các thủ tục hành chính quy định tại dự án Luật.

Thủ tướng: Loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống tham nhũng, phòng ngừa sai phạm- Ảnh 3.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) (do Bộ Công an chủ trì), các ý kiến tập trung vào một số nội dung liên quan vũ khí quân dụng, hoạt động đầu tư, kinh doanh dao có tính sát thương cao…

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (do Bộ Y tế chủ trì), Chính phủ cho ý kiến về quy định kê khai giá bán thuốc; rà soát các quy định đảm bảo phù hợp với các luật hiện hành, nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước chuyên ngành; bảo đảm quyền tiếp cận sớm thuốc của người dân, nhất là những thuốc mới; ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước theo công nghệ hiện đại; quy định cụ thể để khuyến khích chuyển giao công nghệ…

Thủ tướng: Loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống tham nhũng, phòng ngừa sai phạm- Ảnh 4.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì), các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề như quy định liên quan kinh doanh bảo vật, di vật, cổ vật; bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia và di sản tư liệu là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt…

Về đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi) (do Bộ Giao thông vận tải chủ trì), các đại biểu tập trung thảo luận về các chính sách hoàn thiện khung pháp lý về công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng không, về an toàn hàng không, an ninh hàng không, xây dựng, đầu tư, phát triển cảng hàng không, về vận chuyển hàng không…

Thủ tướng: Loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống tham nhũng, phòng ngừa sai phạm- Ảnh 5.
Đại diện Bộ Quốc phòng báo cáo về dự án Luật Phòng không nhân dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) (do Bộ Giao thông vận tải chủ trì), các đại biểu tập trung cho ý kiến về các chính sách liên quan đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; hoạt động vận tải đường sắt; kết nối các phương thức vận tải; phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt.

Về đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số (do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì), các thành viên Chính phủ thảo luận về 2 nhóm chính sách về hoạt động công nghiệp công nghệ số, sản phẩm dịch vụ công nghệ số và bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số, với 14 chính sách cụ thể.

Thủ tướng: Loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống tham nhũng, phòng ngừa sai phạm- Ảnh 6.
Đại diện Bộ Công an báo cáo về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao (do Bộ Ngoại giao chủ trì), các ý kiến tập trung thảo luận về các nhóm chính sách về hoàn thiện quy trình, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến công tác hàm, cấp ngoại giao; đối tượng phong hàm ngoại giao, tiêu chuẩn hàm ngoại giao; chính sách gắn hàm ngoại giao với cơ chế đãi ngộ và các bảo đảm về điều kiện làm việc; nghĩa vụ, trách nhiệm của người mang hàm ngoại giao…

Sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ý kiến kết luận đối với từng nội dung và giao các nhiệm vụ cụ thể hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật.

Trong đó, với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Thủ tướng cho rằng thuốc là hàng hóa đặc biệt nên phải có chính sách quản lý đặc biệt song cần thông thoáng trên cơ sở loại bỏ cơ chế xin cho, tuân thủ quy luật thị trường, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, dược liệu, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường công nhận đánh giá sự phù hợp từ các nước tiên tiến. Thủ tướng cũng lưu ý chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp dược.

Với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giữ gìn, tôn tạo, phát huy di sản văn hóa của dân tộc, phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực di sản văn hóa, huy động nguồn lực xã hội thông qua tăng cường hợp tác công tư; phát triển nguồn nhân lực văn hóa. Thủ tướng lưu ý cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, lấy ý kiến chuyên gia về quy định liên quan kinh doanh bảo vật trên cơ sở quản lý bằng công cụ thuế. Thủ tướng cũng lưu ý cần khuyến khích và có chính sách quản lý hoạt động của bảo tàng tư nhân; các quy định của luật này không chồng chéo với Luật Lưu trữ.

Thủ tướng: Loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống tham nhũng, phòng ngừa sai phạm- Ảnh 7.
Thủ tướng: Loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống tham nhũng, phòng ngừa sai phạm- Ảnh 8.
Thủ tướng: Loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống tham nhũng, phòng ngừa sai phạm- Ảnh 9.
Các đại biểu thảo luận tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các bộ chủ trì đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật, nghiêm túc tiếp thu, giải trình; các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát của các đồng chí thành viên Chính phủ và các đồng chí đại biểu tại phiên họp.

Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các đồng chí Phó Thủ tướng quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện các dự án, đề án theo phân công; trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Về chuẩn bị đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan trình các đề nghị xây dựng luật để trình Chính phủ xem xét, thông qua; tổng hợp đưa vào đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội.

Thủ tướng: Loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống tham nhũng, phòng ngừa sai phạm- Ảnh 10.
Thủ tướng lưu ý một số trọng tâm, yêu cầu trong xây dựng, hoàn thiện thể chế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về việc chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 sắp tới, số lượng các dự án luật rất lớn, vì vậy nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật theo quy định.

Đối với 2 dự án luật, gồm dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 1/2024, giao Bộ Tư pháp, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng thời hạn.

Đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, giao Bộ Xây dựng khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án luật, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Thủ tướng: Loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống tham nhũng, phòng ngừa sai phạm- Ảnh 11.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án luật - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lưu ý một số trọng tâm, yêu cầu trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò của người đứng đầu, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tập trung nguồn lực, có chế độ chính sách phù hợp với cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, nhất là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; rút ngắn hơn nữa quy trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu những nội dung phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta; tăng cường truyền thông chính sách, nhất là truyền thông trong quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, tạo sự đồng thuận và hiệu quả trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án luật trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, xử lý được các vấn đề đã có quy định nhưng thực tiễn đã vượt qua, các vấn đề mới chưa có quy định điều chỉnh; tăng cường năng lực phản ứng chính sách; bảo đảm quy trình, thủ tục đúng quy định.

Thủ tướng lưu ý thiết kế chính sách, quy định và diễn đạt bảo đảm rõ ý, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá; chú trọng lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, doanh nghiệp, người dân. Với các vấn đề còn ý kiến khác nhau thì thiết kế các phương án cụ thể, nêu rõ quan điểm để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa sai phạm; cắt giảm tối đa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, không gây phiền hà, giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát; khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên, giao nhiệm vụ cho VPCP ngay sau kỳ nghỉ Tết

Năm 2024 Bộ Công an xử lý nhiều bị can nguyên là cán bộ cấp cao

Thanh tra Chính phủ: Hơn 2 triệu người kê khai tài sản, 147 người bị kỷ luật do vi phạm

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/thu-tuong-loai-bo-co-che-xin-cho-de-phong-chong-tham-nhung-phong-ngua-sai-pham-102240227180734694.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thủ tướng: Loại bỏ cơ chế xin cho để phòng, chống tham nhũng, phòng ngừa sai phạm
    POWERED BY ONECMS & INTECH