Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương trực tiếp làm việc với chủ đầu tư của 5 dự án, chỉ cho phép kéo dài đến tháng 6 năm nay.
Ngày 1/4, Văn phòng Chính phủ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia  thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Theo đó, trong phụ lục Kế hoạch thực hiện Quy hoạch VIII, danh mục dự án nhiệt điện than được triển khai đến năm 2030 chỉ có 6 dự án với tổng công suất 6.125MW được triển khai. Trong số này có nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, công suất 1.432MW (đã vận hành) tại Khánh Hòa và nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II, công suất 1.330MW tại Hà Tĩnh (vận hành năm 2025-2026).
Các nhà máy được đưa vào vận hành trong năm 2026 gồm: nhiệt điện Na Dương II, công suất 110MW tại Lạng Sơn đang chuẩn bị thi công; nhiệt điện Quảng Trạch I, công suất 1.403MW tại Quảng Bình đang thi công.
Các nhà máy vận hành năm 2027 gồm: nhiệt điện  An Khánh - Bắc Giang, công suất 650MW tại Bắc Giang; nhiệt điện Long Phú I, công suất 1.200MW tại Sóc Trăng.
5 dự án nhiệt điện than khác đang bị chậm tiến độ gồm: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị, công suất 1.320MW tại Quảng Trị. Nhà máy nhiệt điện Công Thanh, công suất 600MW tại Thanh Hóa. Nhà máy Nam Định 1, công suất 1.200MW tại Nam Định. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân III, công suất 1.980MW tại Bình Thuận. Nhà máy nhiệt điện sông Hậu II, công suất 2.120MW tại Hậu Giang.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương trực tiếp làm việc với chủ đầu tư của 5 dự án nêu trên, chỉ cho phép kéo dài đến tháng 6/2024. Nếu sau thời gian này, các chủ đầu tư không triển khai dự án được, Bộ Công Thương phải xem xét chấm dứt dự án theo quy định của pháp luật.
Nữ Giám đốc trẻ 'lập liên minh' lấy trộm hơn 66 tấn thép của nhà máy nhiệt điện BOT 
Nam Định muốn chuyển dự án nhà máy nhiệt điện than 2 tỷ USD sang điện khí