Thủ tướng: Sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng ‘bộ đa ngành, đa lĩnh vực’
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thực hiện tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương, xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả.
Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xóa bỏ cơ chế "xin - cho"
Yêu cầu trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính  nêu rõ tại công điện gửi tới các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Công điện nêu rõ, năm 2024, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện quyết liệt, hiệu quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Trong đó, Thủ tướng chỉ rõ, tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để; giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn và việc phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm; vi phạm trong quản lý sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, môi trường vẫn còn xảy ra…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc |
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các tỉnh, thành quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí, cùng các nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này.
Thủ tướng cũng yêu cầu cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xóa bỏ cơ chế "xin-cho"; phân cấp, phân quyền cho cơ quan, địa phương có thẩm quyền giải quyết và chịu trách nhiệm.
Trên cơ sở đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách trong các luật vừa được Quốc hội thông qua; triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu.
Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Rà soát lại toàn bộ tài sản công, trụ sở công
Về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện Công điện số của Thủ tướng Chính phủ về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
“Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, không để xảy ra thất thoát, lãng phí”, Thủ tướng nêu rõ.
Về quản lý, sử dụng tài sản công, Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát lại toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước.
Về việc này, Thủ tướng yêu cầu tổng hợp kết quả rà soát, xử lý gửi Bộ Tài chính trước ngày 8/12/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12.
Về tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thực hiện tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương; xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
>> Tinh gọn bộ máy: Vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu 
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định bổ nhiệm cho 2 tân Bộ trưởng 
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Thủ hiến bang Hessen (Đức)