Vĩ mô

Thủ tướng: Vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khi tiền gửi vào ngân hàng tăng?

Nguyễn Lê 14/03/2024 - 11:03

Thủ tướng đặt câu hỏi: Vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm? Nút thắt ở đâu, nguyên nhân là gì?

Sáng 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết, đầu năm 2024, các tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang phục hồi trên tất cả các lĩnh vực.

Ngân sách tiết kiệm được 560.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương từ 1/7/2024 và dự kiến tăng mức lương tối thiểu khu vực ngoài nhà nước. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được cải thiện; phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh; quốc phòng an ninh được tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt những thành tựu có tính lịch sử.

Tuy nhiên, kinh tế thế giới năm 2024 được đánh giá còn rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, dù kinh tế Việt Nam có khởi sắc, tiến bộ, phục hồi, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức và khó khăn, thách thức có thể đến bất lúc nào.

“Do đó, chúng ta không được chủ quan, cần tiếp tục phát huy các thành quả, phát hiện các khó khăn, vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ”, Thủ tướng lưu ý.

hoi nghi thu tuong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu thảo luận làm rõ vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, nút thắt ở đâu, nguyên nhân gì? Ảnh: VGP

Vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn?

Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, Thủ tướng nêu rõ, 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023 trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn (14 triệu tỷ đồng).

Cùng với đó, lãi suất cho vay vẫn còn cao; nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm; một số chương trình tín dụng chưa hiệu quả như: gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, trong khi gói 15.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản lại giải ngân rất nhanh…

Thủ tướng đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, đưa ra đáp án, giải pháp cụ thể đối với một số vấn đề cơ bản.

Một là, việc điều hành chính sách tiền tệ, nhất là lãi suất, tỷ giá như thế nào để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (khoảng 6-6,5%) và giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế?

Hai là, vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm? Nút thắt ở đâu, nguyên nhân là gì, do quy định, do điều hành, do thận trọng hay do cục bộ?

Ba là, tình hình cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, từng ngành, lĩnh vực đã tốt chưa? Đâu là điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ khắc phục, đảm bảo việc cung ứng vốn không ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm? Làm thế nào để cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất kinh doanh?

Bốn là, cần có các giải pháp gì tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân? Đặc biệt là các giải pháp về lãi suất, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, các biện pháp về bảo lãnh, các biện pháp về truyền thông, công nghệ...?

Năm là, các ngân hàng thương mại cần làm gì để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% như NHNN đã giao ngay từ đầu năm? Làm thế nào để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, để hệ thống ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp?

Sáu là, Chính phủ, NHNN, các bộ, ngành, địa phương cần phải làm gì, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần làm gì để kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp? Cần có những công cụ gì? Chẳng hạn như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Doanh nghiệp bất động sản mong tiếp cận vốn tín dụng có chi phí thấp hơn

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, đề xuất Chính phủ tiếp tục có những chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là ổn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp lớn và uy tín tham gia các dự án trọng điểm quốc gia.

Với các chính sách hiện hành cũng như trong tương lai hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế, ông Trường đề nghị Chính phủ có sự hướng dẫn, giải thích đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng để các chính sách này đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất.

Chủ tịch Sun Group mong muốn, doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. Cụ thể, hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá lớn (từ 4-5%), doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này. Nếu được, các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.

>> Bãi bỏ cơ chế thu nhập đặc thù, áp dụng tiền lương, phụ cấp thống nhất

[LIVE] Thủ tướng chủ trì Hội nghị gỡ khó sản xuất, kinh doanh cho Vingroup (VIC), Novaland (NVL), Sungroup...

TỔNG THUẬT: Thủ tướng chủ trì hội nghị về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/thu-tuong-vi-sao-doanh-nghiep-keu-thieu-von-nut-that-o-dau-nguyen-nhan-gi-2259362.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thủ tướng: Vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khi tiền gửi vào ngân hàng tăng?
    POWERED BY ONECMS & INTECH