TikToker Mr Pips bị bắt cùng 5.000 tỷ: Lộ nhiều thủ đoạn lừa tiền dễ dàng
TikToker Phó Đức Nam (Mr Pips) bị khởi tố vì tội lừa đảo với tổng số tiền bị phong tỏa là 5.000 tỷ đồng. Hiện có rất nhiều thủ đoạn, các chiêu trò lừa đảo liên quan tới hoạt động tư vấn, môi giới đầu tư chứng khoán, vàng bạc…
Các cơ quan chức năng vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phó Đức Nam  (30 tuổi, trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu), Lê Khắc Ngọ (34 tuổi, trú Hà Nội) và 24 người khác về các tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "không tố giác tội phạm" và "rửa tiền".
Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips) nổi tiếng trên mạng xã hội với clip dạy đầu tư chứng khoán quốc tế, dạy kiếm tiền, chơi forex, cùng với các clip show lãi khủng và về cuộc sống xa hoa đầy vàng bạc, xe cộ…
Kết luận ban đầu cho thấy, Phó Đức Nam cấu kết với Lê Khắc Ngọ lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán, núp danh nghĩa công ty, trang mạng hoạt động về lĩnh vực telemarketing (tiếp thị qua điện thoại), tư vấn đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán với nhiều mã cổ phiếu quốc tế như: Facebook, Apple…
Nam cùng đồng phạm đã dụ dỗ khách hàng vào những nhóm chat riêng rồi mời tham gia các sàn, tư vấn đánh lệnh lớn, sử dụng đòn bẩy tiền vay để bị hại nhanh chóng cháy tài khoản, nhằm tiếp tục chiếm đoạt tài sản của bị hại…
Cơ quan điều tra đã khám xét, thu giữ phong tỏa tài sản của các đối tượng tổng trị giá hơn 5.000 tỷ đồng.
Trước khi bị khởi tố, TikToker Mr Pips nổi tiếng trên mạng xã hội với mỗi clip có hàng trăm nghìn hoặc cả triệu view. Nam livestream đưa ra các phân tích, nhận định, dự báo của mình về giá vàng, tiền số…
Nam luôn khuyên phải đầu tư nhiều tiền để có thể thắng nhiều tiền, có tiền mới mua được hạnh phúc và sống sung sướng. TikToker này cũng khoe tài sản khủng và kinh nghiệm 10 năm bất bại trên thị trường đầu tư vàng và chứng khoán quốc tế.
Nam cũng có các nhóm chat riêng trên Telegram và thường xuyên khoe lãi lớn và dụ dỗ các các thành viên tham gia theo hình thức copytrade (đầu tư theo hình thức sao chép các vị thế được mở và quản lý bởi chính Nam).
Tràn lan thủ đoạn, các chiêu trò lừa đảo về đầu tư
Trong vài năm gần đây, tình trạng chèo kéo, dụ dỗ người có tiền đầu tư vào vàng và chứng khoán quốc tế rất phổ biến. Nhiều người hàng ngày nhận vài cuộc gọi từ các nhân viên được giới thiệu đến từ các công ty chứng khoán nổi tiếng mời vào các nhóm chat để tư vấn đầu tư chứng khoán quốc tế. Không ít người đã bị lừa các khoản tiền rất lớn khi tham gia vào các sàn giao dịch, nhưng sau đó không rút được tiền về.
Trên mạng xã hội và nhiều diễn đàn cũng có vô số các quảng cáo mời gọi tham gia các sàn đầu tư vàng, tiền số, chứng khoán quốc tế… siêu lợi nhuận. Các đối tượng cũng tư vấn luôn hình thức copytrade để giúp những người có tiền mà không có kiến thức về tài chính, không cần nghiên cứu chỉ cần bỏ tiền nạp vào tài khoản và có lãi khủng..
Đối tượng lừa đảo lập tài khoản zalo mạo danh, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để giả mạo hình ảnh của một số nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán như: ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI, hay tỷ phú Trần Đình Long…
Hồi tháng 8, CTCP Chứng khoán SSI đưa ra cảnh báo nhà đầu tư về hình thức lừa đảo, mạo danh ông Nguyễn Duy Hưng thực hiện các livestream để đưa ra các nhận định, tư vấn đầu tư.
Theo đó, từ nền tảng zalo, đối tượng điều hướng nhà đầu tư vào nhóm kín trên nền tảng Telegram. Tại đây, đối tượng sử dụng công nghệ AI tạo hình ảnh, video giả mạo ông Nguyễn Duy Hưng tư vấn đầu tư chứng khoán nhằm dụ dỗ nhà đầu tư vào cạm bẫy.
Không chỉ SSI, nhiều công ty chứng khoán khác như MBS, VNDirect hay các quỹ đầu tư cũng liên tục khuyến cáo về tình trạng này.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Vingroup (VIC) cũng liên tục thông báo bị mạo danh, khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng giao dịch trên không gian mạng.
Theo đó, các đối tượng đã giả mạo “chữ ký tươi, đóng dấu đỏ” của tỷ phú Trần Đình Long, lập website na ná giống hệ sinh thái Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, hay dựng hãng phim, kênh truyền hình… với mồi nhử lãi suất cao, lợi ích lớn để lừa đảo người dân
Giám đốc môi giới của một công ty chứng khoán cho biết, tiền mã hóa (cryptocurrency) hay "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất kỳ sàn forex nào hoạt động.