Tin giả lại xuất hiện dồn dập trên mạng xã hội

26-10-2023 06:40|Lê Mỹ

Chỉ trong vòng một tuần, nhiều tin giả đã xuất hiện trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan chức năng.

Tin giả (fakenews) là một vấn nạn đã được lên án từ trước tới nay. Đã có rất nhiều chương trình tuyên truyền về việc chung tay chống tin giả, hay cảnh báo về các hậu quả do nó gây ra, thế nhưng trong những ngày vừa qua, tin giả vẫn tiếp tục xuất hiện dồn dập trên các mạng xã hội.

img 3201.jpg
Nhiều thông tin sai sự thật về bộ phim Đất Rừng Phương Nam xuất hiện trên mạng xã hội vào thời gian qua.

Đầu tiên là những tin giả liên quan đến bộ phim Đất Rừng Phương Nam, khi lợi dụng những tranh cãi xoay quanh bộ phim này, nhiều hội, nhóm hay các cá nhân trên Facebook, TikTok, YouTube đã lan truyền thông tin “Cục trưởng Cục Điện Ảnh Vi Kiến Thành cho rằng xuyên tạc lịch sử trong phim Đất Rừng Phương Nam là chấp nhận được vì đây là bộ phim hư cấu”.

Ngay sau đó, tiếp tục xuất hiện thông tin “báo đài Trung Quốc đăng tin cảm ơn Việt Nam khi làm phim về họ những năm 1920”. Chưa dừng lại, cũng liên quan đến bộ phim này còn xuất hiện tin giả với nội dung “Ban Tuyên giáo Trung ương thông báo với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch yêu cầu Nhà sản xuất phim ĐRPN chỉnh sửa các nội dung dư luận phản ánh gồm: Trang phục, câu chuyện, các hội đoàn… đảm bảo đúng và phù hợp với bối cảnh lịch sử; Dời thời gian chiếu để chỉnh sửa và duyệt lại”.

Các tin giả này được lan truyền một cách chóng mặt trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, theo khẳng định của các đơn vị liên quan, hoàn toàn không có các phát ngôn hay thông báo, cũng như báo đài Trung Quốc đưa ra các thông tin không đúng sự thật như trên.

bogiaoducfake.jpg
Các thông tin không đúng sự thật về sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cảnh báo.

Cũng trong tuần qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải lên tiếng cảnh báo về việc xuất hiện tin giả liên quan đến nội dung trong sách giáo khoa dạy học với thông báo: “Hiện nay, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin về một số nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa như: Giã gạo thổi cơm, Bắn Tung Toé, Bạn An dũng cảm, Bé xách đỡ mẹ, Vẽ gì khó… Đây là những thông tin không có trong sách giáo khoa hiện hành đang được thực hiện tại các nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều ra nguồn gốc thông tin trên, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đăng tải, xuyên tạc”.

Gần đây nhất, ngày 19/10, khi MoMo gặp sự cố do bảo trì hệ thống làm gián đoạn giao dịch. Thế nhưng, trong một số nhóm Facebook lại phát đi thông tin không đúng sự thật và vẽ ra kịch bản như: “thông tin trong nhà MoMo tuồn ra, tầm 4-5h sáng một kỹ sư chức hơi cao đã dậy sớm xoá sạch data (dữ liệu) trong các database (cơ sở dữ liệu), ngay sau đó 7h kỹ thuật phát hiện và bắt đầu báo cáo và sửa lỗi, tầm 8h đã vào lại được nhưng chạy lại dữ liệu chắc cũng vài ngày; Kể cả data của các dịch vụ vay tiền trên MoMo cũng bị xoá… rồi kỹ thuật mới phản hồi lịch sử vay vài ngày nay đã mất, sẽ không phải trả nợ”. Trong khi đó, sau khi bị sự cố hệ thống thì đến 16h cùng ngày, MoMo đã khắc phục và mọi thứ đã hoạt động trở lại bình thường.

Chia sẻ với truyền thông mới đây, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo cho biết, hiện ví điện tử này đang phối hợp các cơ quan chức năng điều tra đối với những cá nhân, tổ chức phát tán tin đồn và thông tin giả mạo. Đồng thời tích cực cảnh báo người dùng thận trọng trước những tin đồn thất thiệt và có những đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác về hoạt động doanh nghiệp.

Ngày 19/9 vừa qua, tin giả đã được đem ra thảo luận tại Diễn đàn ASEAN về ứng phó và xử lý tin giả do Bộ TT&TT tổ chức. Các quốc gia tham dự đều xem đây là vấn nạn toàn cầu, đòi hỏi các nước ASEAN đẩy mạnh hơn sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý truyền thông; giữa các cơ quan truyền thông tham gia truyền bá thông tin chính thống và chính xác, phát hiện, công bố và sửa chữa tin giả; giữa các cơ quan nghiên cứu như các tổ chức nghiên cứu độc lập, tổ chức xác minh và nhà cung cấp mạng xã hội để đối phó với thông tin sai lệch trong khu vực…

Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng và các tổ chức đã đưa ra nhiều chương trình tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong cộng đồng về phòng, chống tin giả. Năm 2022, Bộ TT&TT đã ban hành “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”. Ngày 11/10/2023 vừa qua, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cũng đã phối hợp cùng các đối tác tổ chức chương trình phát động chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức người dùng Internet tại Việt Nam mang tên “Chiến dịch Tin”. “Chiến dịch Tin” có thông điệp "Tin trên mạng, tin cho đúng" được phát động nhằm cung cấp những thông tin, kỹ năng cơ bản để người sử dụng Internet có thể nhận biết, phát hiện, phòng, tránh tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Đồng thời, nhận thức rõ trách nhiệm trong việc đăng tải, cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng ra nhiều quyết định xử phạt các tổ chức, cá nhân, truyền bá các thông tin sai sự thật trên không gian mạng, thế nhưng có thể nói cuộc chiến chống tin giả vẫn còn là một hành trình dài phía trước và đòi hỏi cần có sự chung tay của toàn xã hội.

Nhiều chiêu trò lừa đảo nhắm vào người mua sắm online dịp cuối năm

Chặn, gỡ hàng nghìn tài khoản, thông tin xấu độc trên Facebook, TikTok

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/tin-gia-lai-xuat-hien-don-dap-tren-cac-mang-xa-hoi-2205603.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Tin giả lại xuất hiện dồn dập trên mạng xã hội
    POWERED BY ONECMS & INTECH