Tỉnh chuẩn bị lên TP trực thuộc Trung ương đề xuất thêm hơn 500 tỷ để lên tầm diện mạo đô thị
Dự án phát triển đô thị tỉnh khi được hoàn thành sẽ góp phần cải thiện và mở rộng mạng lưới giao thông, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị, đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ và khai thác tiềm năng du lịch.
Dự án "Chương trình phát triển các đô thị loại II (đô thị xanh) - Tiểu dự án Thừa Thiên Huế" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 91,22 triệu USD, tương đương 1.929,386 tỷ đồng.
Dự án do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế  phê duyệt lần đầu vào tháng 4/2016 và được điều chỉnh lần cuối vào tháng 8/2024, với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị chủ đầu tư. Thời gian thực hiện kéo dài từ năm 2018 đến ngày 30/6/2028, tại các khu vực thuộc TP. Huế, thị xã Hương Trà và thị xã Hương Thủy.
Mục tiêu của dự án là cải thiện và mở rộng mạng lưới giao thông, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị , đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ và khai thác tiềm năng du lịch. Dự án cũng tập trung cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường và nâng cao cảnh quan đô thị.
Dự án bao gồm 15 hạng mục công trình, chia thành 3 hợp phần: Phòng chống ngập lụt và vệ sinh môi trường (hợp phần 1); Phát triển hệ thống giao thông (hợp phần 2); Tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện dự án (hợp phần 3).
Đến nay, Ban Quản lý dự án đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu cho 10/10 gói thầu xây lắp với tổng giá trị hơn 1.008,2 tỷ đồng. Trong đó, 2 gói thầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, còn 8 gói thầu khác đang triển khai với tổng khối lượng đạt hơn 675,99 tỷ đồng (tương đương hơn 67% khối lượng toàn dự án). Tuy nhiên, giá trị thực hiện của các hợp phần vẫn thấp hơn so với hiệp định vay đã ký do vốn dư sau đấu thầu, thay đổi tỷ giá và phần vốn dự phòng chưa phân bổ.
Ngày 20/9, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã báo cáo HĐND tỉnh về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Trong đó, đề xuất bổ sung quy mô đầu tư với số tiền 23,857 triệu USD (tương đương 552,719 tỷ đồng) để triển khai thêm các hạng mục như: Kênh sinh thái khu A - An Vân Dương, xây dựng mới 2 đoạn đường tại khu B của Khu đô thị mới An Vân Dương, cải tạo 3 đoạn đường khác, và xây cầu đi bộ nối từ trung tâm hành chính TP. Huế đến Trung tâm Thể thao tỉnh.
Dự kiến, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh sẽ là 2.088,472 tỷ đồng, tăng 59,087 tỷ đồng do thay đổi tỷ giá trong quá trình thanh toán. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư bằng USD vẫn giữ nguyên ở mức 91,22 triệu USD.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế lý giải rằng việc thay đổi tổng mức đầu tư tính theo VNĐ là do biến động tỷ giá USD/VND trong quá trình thực hiện dự án.
HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định đây là dự án rất quan trọng đối với tỉnh. Trong thời gian qua, các cấp, ngành và địa phương đã nỗ lực triển khai dự án, mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc mở rộng mạng lưới giao thông, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện cảnh quan đô thị và vệ sinh môi trường.
Ngày 10/9, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chính phủ đã tổ chức hội nghị thẩm định đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị đã khẳng định mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là đề án có ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận của nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Hội đồng thẩm định đã thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền thông qua việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời thống nhất phương án sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính trực thuộc.
>> Tỉnh miền Trung sắp lên TP trực thuộc Trung ương ra quy định mới về tách thửa đất
Huyện ven biển duy nhất tại TP. HCM sắp có khu đô thị du lịch lấn biển gần 3.000ha 
Khu đô thị đẹp nhất thành phố Thanh Hóa ‘bì bõm’ trong nước