Tỉnh có 'thác nước đẹp bậc nhất thế giới' của Việt Nam chuẩn bị tổ chức sự kiện quan trọng của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu
Sự kiện diễn ra từ ngày 5-17/9 với khoảng 800-1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.
Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO  khu vực châu Á - Thái Bình Dương  sẽ diễn ra tại tỉnh Cao Bằng từ ngày 5-17/9 tới đây. Hội nghị do UBND tỉnh Cao Bằng  chủ trì tổ chức, với sự đồng chủ trì của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Ngoại giao .
Đây là sự kiện quốc tế quy mô, được tổ chức luân phiên hai năm một lần tại các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu của hội nghị là chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, mô hình hiệu quả và các giải pháp hữu ích trong việc xây dựng và phát triển danh hiệu Công viên địa chất theo tiêu chí của UNESCO, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các loại hình di sản để phát triển du lịch bền vững.
Hội nghị quốc tế lần thứ 8 năm nay có chủ đề: “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất”, thu hút khoảng 800-1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.
Đây cũng là cơ hội để tỉnh Cao Bằng xúc tiến, quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch, cùng nét đẹp của miền đất và con người địa phương tới các đại biểu trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Cao Bằng, hướng tới việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam, đại sứ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, hội nghị là sự kiện quan trọng để các thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nhà nghiên cứu, quản lý, các học giả từ các nước thành viên có cơ hội được gặp gỡ, kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để không ngừng hoàn thiện công tác xây dựng, vận hành và phát huy vai trò Công viên địa chất toàn cầu gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.
Kết quả của Hội nghị sẽ được báo cáo lên Hội đồng Chấp hành UNESCO, cơ sở quan trọng giúp Tổ chức UNESCO đánh giá tác động của các danh hiệu UNESCO đối với sự phát triển ở các quốc gia thành viên.
Cũng theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, hội nghị càng thêm ý nghĩa hơn khi được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.
Cao Bằng là tỉnh sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, được ví như “viên ngọc xanh” của vùng Đông Bắc Việt Nam, với những yếu tố đặc trưng và lợi thế lớn để phát triển du lịch bền vững.
Tỉnh có nhiều điểm đến hấp dẫn như Khu du lịch sinh thái Phia Oắc - Phia Đén, hồ Thang Hen, núi Mắt Thần , động Ngườm Ngao… Đặc biệt, thác Bản Giốc  là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và là một trong bốn thác nước lớn và đẹp nhất trên đường biên giới giữa các quốc gia, được xếp vào top 10 thác nước hùng vĩ nhất thế giới. Năm 2024, thác Bản Giốc được Tạp chí du lịch danh tiếng của Mỹ, Travel + Leisure, bình chọn vào danh sách 21 thác nước đẹp nhất thế giới.
Ngoài các danh lam thắng cảnh, Cao Bằng còn có bề dày về lịch sử văn hóa, với nhiều di sản địa chất độc đáo, cùng các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của nhiều dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có những di sản văn hóa độc đáo, nét đặc trưng trong tập quán sản xuất, sinh hoạt truyền thống và kho tàng văn nghệ dân gian riêng biệt.
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu thứ 5 của Đông Nam Á và thứ 2 của Việt Nam. Với hơn 200 điểm di sản độc đáo, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng phản ánh lịch sử hình thành hơn 500 triệu năm của Trái Đất với diện tích gần 3.700km2.
Tạp chí du lịch Insider của Mỹ đã bình chọn Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là 1 trong 50 địa điểm có tầm nhìn ngoạn mục, nổi bật nhất trong số những kỳ quan và phong cảnh thiên nhiên hấp dẫn trên khắp thế giới.
>> Từ 11/8, Việt Nam tạm dừng đưa đón khách qua lại khu thác nước đẹp bậc nhất thế giới