Tỉnh duy nhất của Việt Nam 135 năm tuổi đời vẫn giữ nguyên tên, chưa từng tách, nhập tỉnh
Trong quá trình sáp nhập và chia tách các tỉnh, thành phố, có một tỉnh có diện tích nhỏ nhưng chưa từng bị ảnh hưởng.
Thông tin từ Bộ Chính trị  và Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu và đưa ra định hướng tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện), cũng như xem xét việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, đang thu hút sự chú ý lớn. Việt Nam đã trải qua nhiều lần sáp nhập và chia tách các tỉnh, thành phố, từ 72 đơn vị vào năm 1975, giảm xuống còn 38, 39, 40, 44, 53, 61, 64 đơn vị, và từ năm 2008 đến nay, giữ ổn định ở con số 63 đơn vị.
Trong quá trình sáp nhập và chia tách các tỉnh, thành phố, có một tỉnh có diện tích nhỏ nhưng chưa từng bị ảnh hưởng, đó là tỉnh Thái Bình.
Tỉnh duy nhất của Việt Nam 135 năm tuổi đời vẫn giữ nguyên tên
Thái Bình là một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Hồng. Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình, ngày 21/3/1890, toàn quyền Pháp ra Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình gồm Thanh Quan, Thụy Anh, Đông Quan, Trực Định (trước là Chân Định), Thư Trì, Vũ Tiên, Tiền Hải, Phụ Dực, Quỳnh Côi (thuộc tỉnh Nam Định) và huyện Thần Khê (thuộc tỉnh Hưng Yên).

Năm 1894, cắt thêm 2 huyện Hưng Nhân, Duyên Hà (thuộc tỉnh Hưng Yên) nhập trở lại Thái Bình. Đến lúc này tỉnh Thái Bình với tư cách là một tỉnh - đơn vị hành chính độc lập - bao gồm 3 phủ với 12 huyện, 90 tổng, 802 làng, xã với số dân 161.927 người, số ruộng đất là 365.287 mẫu.
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, ngày 10-4-1946 Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định bỏ đơn vị tổng, đổi phủ thành huyện. Lúc này, toàn tỉnh Thái Bình được chia thành 12 huyện, một thị xã với 829 xã, thôn.
Ngày 17/6/1969, Chính phủ ra quyết định 93-CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới các huyện như sau:
Hợp nhất hai huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực thành huyện Quỳnh Phụ.
Hợp nhất hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà thành huyện Hưng Hà.
Hợp nhất hai huyện Đông Quan và Tiên Hưng thành huyện Đông Hưng.
Hợp nhất hai huyện Vũ Tiên và Thư Trì thành huyện Vũ Thư.
Sáp nhập một số xã của huyện Vũ Tiên vào huyện Kiến Xương.
Sáp nhập một số xã của huyện Kiến Xương vào huyện Tiền Hải.
Năm 1982 và năm 1986, quyết định sáp nhập một số xã ở Vũ Thư và mở rộng địa giới hành chính của thị xã Thái Bình.
Trong suốt nhiều lần sáp nhập , chia tách các tỉnh thành trên cả nước, Thái Bình là một trong những tỉnh hiếm hoi không bị ảnh hưởng mà vẫn giữ nguyên vẹn, gần như không thay đổi kể từ khi được thành lập vào năm 1890. Tên gọi tỉnh Thái Bình cũng đã tồn tại suốt 135 năm cho đến nay.
Đến nay, theo thông tin từ UBND tỉnh Thái Bình, diện tích  tự nhiên của tỉnh này là 1.586,3km². Trong số 10 tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, Thái Bình đứng cùng với các tỉnh như Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Ninh Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long và Hải Phòng. Về dân số, tỉnh hiện có khoảng 1.873.890 người. Tỉnh này được bao bọc bởi ba con sông lớn là sông Hồng (phía Tây và Tây Nam), sông Luộc (phía Bắc) và sông Hóa (phía Đông).
Thái Bình phát triển toàn diện
Năm qua, dù đối mặt với cả thuận lợi và khó khăn như nhờ sự nỗ lực của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn duy trì xu hướng tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình, GRDP của tỉnh ước đạt trên 71.300 tỷ đồng, tăng 7,01% so với năm 2023. Quy mô kinh tế đạt trên 132.700 tỷ đồng, xếp thứ 23 trong cả nước và thứ 8 trong 11 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, với khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 19,7%, công nghiệp và xây dựng chiếm 44,3%, dịch vụ chiếm 30,41%, và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,6%.
Đặc biệt, năm 2024, Thái Bình chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão  số 3 khiến sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản sụt giảm, giá trị sản xuất của ngành này ước đạt trên 13.700 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 đạt 28.066,4 tỷ đồng, tăng 15,7% so với năm 2023. Đồng thời, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt hơn 43.177,6 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,16 tỷ USD, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành trong cả nước.
* Tổng hợp
>>Tỉnh mới từng được hình thành sau khi sáp nhập tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh