Tỉnh duy nhất ở Việt Nam có 3 mặt giáp biển chi hơn 5.200 tỷ nâng cấp hạ tầng một ngành nghề ‘xương sống’
Đề án cũng chú trọng vào việc xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông và vận tải đường bộ và đường thủy đảm bảo vận chuyển hàng hoá của tỉnh này.
Với lợi thế là tỉnh duy nhất 3 mặt giáp biển tại Việt Nam và chiều dài bờ biển hơn 250km, nghề đánh bắt hải sản ở Cà Mau được xem là một nghề xương sống từ bao đời nay. Hiện tại, tỉnh có nhiều cảng cá  quan trọng nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu về công suất và điều kiện kỹ thuật. Vì vậy, tỉnh Cà Mau đang triển khai một đề án quan trọng về đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá.
Theo đó, tỉnh đã đưa ra đề án xây dựng 3 cảng cá. Trong đó, 1 cảng cá loại I, 6 cảng cá loại II và 6 cảng cá loại III. Tổng sản lượng thủy sản  qua cảng đạt từ 193.000 tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư nâng cấp, xây dựng hoàn thành 13 khu neo đậu tránh trú bão, trong đó có 2 khu cấp vùng và 11 khu cấp tỉnh, đảm bảo sức chứa lên đến 7.700 tàu cá vào neo đậu tránh trú bão an toàn.
Một bến neo đậu tại khu vực cảng cá Sông Đốc, tỉnh Cà Mau - Ảnh: Thanh Huyền
Vùng nước neo đậu tàu thuyền này sẽ được nạo vét, khơi thông luồng, có biện pháp ngăn chặn, hạn chế sự bồi lắng tự nhiên, đảm bảo an toàn cho tàu cá ra vào, cập cảng bốc dỡ hàng hóa.
Song song với đó, các cơ sở hạ tầng như kho lạnh, nhà máy xử lý nước thải , và hệ thống bảo quản sản phẩm cũng sẽ được xây dựng để đảm bảo chất lượng sản phẩm từ khâu khai thác đến tiêu thụ.
Đề án cũng chú trọng vào việc xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông và vận tải đường bộ và đường thủy, giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển và đảm bảo sự lưu thông hàng hóa thuận lợi, kịp thời.
Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 5.239 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương đầu tư hơn 1.541 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 657 tỷ đồng. Vốn ngoài ngân sách Nhà nước, các nguồn vốn huy động, vốn xã hội hóa, vốn hợp pháp khác chiếm đến hơn 3.040 tỷ đồng.