Tỉnh duy nhất tại Việt Nam 135 năm chưa từng thay tên sắp bị xóa tên khỏi bản đồ hành chính
Sau khi sáp nhập tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, dự kiến tên tỉnh mới sẽ lấy tên là Hưng Yên.
Trải qua hơn một thế kỷ lịch sử, Thái Bình – vùng đất phì nhiêu của đồng bằng Bắc Bộ vẫn kiên định với cái tên nguyên vẹn, chưa từng chia tách, sáp nhập hay thay đổi hành chính.
Tuy nhiên, dấu mốc 135 năm ấy chuẩn bị khép lại, khi theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính , Thái Bình sẽ được sáp nhập với Hưng Yên và cái tên Thái Bình có thể sẽ chỉ còn lại trong ký ức của nhiều người.
Mảnh đất chưa từng chia tách/sáp nhập, thay tên suốt 135 năm
Được thành lập vào năm 1890 dưới thời Pháp thuộc, tỉnh Thái Bình sở hữu một lịch sử hành chính hiếm hoi không bị xáo trộn. Suốt 135 năm, Thái Bình chưa từng trải qua bất kỳ lần chia tách, hợp nhất hay đổi tên nào – điều mà không tỉnh, thành nào khác ở Việt Nam có được.
Không chỉ mang sự ổn định về mặt hành chính, Thái Bình còn có một đặc điểm địa lý đặc biệt: đây là tỉnh duy nhất ở Việt Nam hoàn toàn không có đồi núi.

Toàn bộ diện tích tự nhiên khoảng 1.570km2 của tỉnh đều là đồng bằng phù sa màu mỡ, được bồi đắp bởi hệ thống sông Hồng, sông Luộc và sông Trà Lý. Địa hình thấp và bằng phẳng khiến Thái Bình trở thành "vựa lúa" trứ danh, góp phần không nhỏ vào an ninh lương thực quốc gia.
Về dân cư, Thái Bình hiện có khoảng 1,86 triệu người (theo số liệu năm 2024), đứng trong nhóm các tỉnh đông dân ở khu vực đồng bằng sông Hồng.
Người dân nơi đây nổi tiếng cần cù, chịu thương chịu khó và có truyền thống hiếu học lâu đời. Tỉnh cũng là cái nôi sản sinh ra nhiều nhân tài, nhà khoa học, nhà cách mạng lớn của đất nước.
Thái Bình chuẩn bị "hòa mình" vào Hưng Yên
Sự ổn định kéo dài 135 năm ấy sắp bước sang trang mới khi theo chủ trương của Chính phủ về sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh giai đoạn 2024–2030, Thái Bình sẽ tiến hành sáp nhập với tỉnh Hưng Yên – địa phương có diện tích nhỏ và dân số tương đương.
Sau sáp nhập, tên gọi mới sẽ được giữ là Hưng Yên, theo nguyên tắc ưu tiên địa danh có bề dày lịch sử lâu đời hơn.
Việc lựa chọn tên Hưng Yên cho đơn vị hành chính mới được lý giải bởi đây là một trong những địa danh xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử Việt Nam, từng gắn liền với trung tâm thương mại Phố Hiến – một trong tứ đại đô thị nổi tiếng của nước ta vào thế kỷ XVII–XVIII.

Dự kiến sau khi sáp nhập, diện tích của tỉnh Hưng Yên mới sẽ đạt khoảng 2.950km2 với dân số trên 3,6 triệu người.
Điều này sẽ tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời giải quyết bài toán tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo định hướng chung của Chính phủ.
Tuy nhiên, với người dân Thái Bình, cảm xúc chắc chắn sẽ có nhiều xáo trộn. Cái tên "Thái Bình" – gắn bó với biết bao thế hệ, bao ký ức vùng quê lúa mênh mông, tiếng sáo diều vi vu trong chiều hè, có thể sẽ lùi vào dĩ vãng.
Dẫu vậy, tinh thần cần cù, bền bỉ, những giá trị văn hóa ngàn đời của đất và người Thái Bình sẽ tiếp tục được gìn giữ, kế thừa và phát triển trong hình hài mới – một Hưng Yên mở rộng, năng động và hội nhập hơn, hòa vào mục tiêu phát triển chung của toàn dân tộc.