Tỉnh giàu miền Bắc hút 1,7 tỷ USD vốn FDI, thu ngân sách đạt hơn 40.000 tỷ đồng
Trong 9 tháng đầu năm 2024, thu hút FDI tại tỉnh này bằng 59% kế hoạch đặt ra, một số chỉ tiêu về kinh tế khác chưa đạt như kỳ vọng.
Ngày 7/9/2024, cơn bão số 3 đã đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Ninh, gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về người và tài sản, với tổng thiệt hại ước tính gần 25.000 tỷ đồng. Một số chỉ tiêu kinh tế và tăng trưởng của tỉnh bị ảnh hưởng đáng kể.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, trong 3 khu vực kinh tế chính, khu vực công nghiệp - xây dựng chịu thiệt hại ít nhất sau bão. Nhờ đó, tăng trưởng của ngành này trong 9 tháng đầu năm vẫn khá tích cực, với chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9,25% so với cùng kỳ. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, hai khu vực khác là dịch vụ - du lịch và nông, lâm, ngư nghiệp chịu thiệt hại nặng. Hệ thống siêu thị, chợ, khách sạn bị hư hỏng nặng, nhiều tàu du lịch bị chìm và hoạt động du lịch ngưng trệ khoảng một tuần. Ngoài ra, 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị hư hại, 7.622ha lúa và hoa màu bị ngập úng, 388.608 con gia súc, gia cầm bị chết hoặc cuốn trôi, và 117.800ha rừng trồng bị gãy đổ.
Tuy nhiên, với nỗ lực đồng lòng của chính quyền và người dân, các lĩnh vực này đang từng bước khôi phục. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Quảng Ninh đã đón hơn 15,6 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 98,1% kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng thủy sản đạt 129.836 tấn, tương đương 93,1% kế hoạch.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trong 9 tháng ước đạt 40.417 tỷ đồng, bằng 73% dự toán năm. Trong đó, thu từ xuất nhập khẩu đạt 13.800 tỷ đồng, bằng 106% dự toán năm; thu nội địa đạt 26.332 tỷ đồng, bằng 62% dự toán. Tính đến ngày 26/9/2024, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút được tại Quảng Ninh đạt trên 1,7 tỷ USD, bằng 59% kế hoạch năm.
Quảng Ninh hút 1,7 tỷ USD vốn FDI trong 9 tháng đầu năm |
Tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy, cho biết mặc dù đã rất nỗ lực, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn chưa đạt được kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và một số chính sách thay đổi chưa kịp thời trong thực thi.
Trong quý cuối năm, Quảng Ninh đặt mục tiêu tập trung khắc phục khó khăn, tái thiết kinh tế và kiểm soát lạm phát. Tỉnh kiên định với mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 2 con số trong năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục giải quyết hậu quả của bão số 3, đồng thời đề xuất các biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tín dụng. Đề án khôi phục và tái thiết kinh tế cũng được triển khai để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của quy hoạch tỉnh và nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp.
Ngoài ra, tỉnh sẽ điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế, tìm kiếm các lĩnh vực có dư địa tốt để bù đắp cho các ngành bị ảnh hưởng. Quảng Ninh cũng đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến và hỗ trợ nhà đầu tư, đảm bảo mục tiêu thu hút FDI trong những tháng cuối năm. Các chương trình kích cầu du lịch năm 2024 cũng được triển khai nhằm nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch...
Theo như báo cáo của Tổng cục Thống kê về chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI), nếu không xét đến các thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Quảng Ninh là tỉnh có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam với chỉ số SCOLI bằng 97,94% Hà Nội.
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là thước đo (tính bằng %) phản ánh xu hướng, mức độ biến động giá sinh hoạt của 63 tỉnh thành và 6 vùng kinh tế xã hội theo chu kỳ năm; Chỉ số này đứng đầu là Hà Nội (100%), thứ hai là TP. HCM với chỉ số SCOLI bằng 98,44% Hà Nội.
>> Bão Yagi đã khiến TP. Hạ Long thiệt hại bao nhiêu tỷ đồng? 
Tỉnh lớn nhất cả nước báo tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 8%, thu ngân sách 16.600 tỷ đồng 
'Đại bàng' Samsung, Amkor, Foxconn đổ bộ, Bắc Ninh sắp cán mốc 5 tỷ USD vốn FDI