Tỉnh là điểm cuối đường bờ biển Việt Nam sẽ có công trình vượt vịnh dài gần 4km
Công trình có tổng chiều dài gần 4km này được đầu tư với số vốn là 3.900 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2029.
HĐND tỉnh Kiên Giang vừa có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình cầu vượt vịnh Rạch Giá  kết nối liên vùng qua địa bàn TP. Rạch Giá, huyện An Biên đến Cà Mau.
Theo đó, cầu vượt biển vịnh Rạch Giá có chiều dài 2,8km, quy mô 6 làn xe với chiều dài 3,7km. Điểm đầu của dự án tại xã Tây Yên, huyện An Biên và điểm cuối tại nút giao Đường 3 Tháng 2 và đường Ngô Quang Hơn. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 3.900 tỷ đồng.
Hiện tại, ngành chức năng của địa phương đang tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo của dự án. Công trình dự kiến sẽ triển khai trong năm 2024 và đi đến hoàn thiện vào năm 2029.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang, việc xây dựng cầu vượt biển vịnh Rạch Giá nhằm hoàn thành tuyến đường ven biển, kết nối liên vùng qua địa bàn TP. Rạch Giá, huyện An Biên đến Cà Mau. Khi được thông xe, cây cầu sẽ giảm tải lượng phương tiện qua Quốc lộ 63 hiện hữu, đồng thời mở rộng không gian đô thị, thúc đẩy kinh tế khu vực ven vịnh Rạch Giá.
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cũng đang lập chủ trương xin đầu tư dự án đường ven biển nối tỉnh Cà Mau dài 60 km bằng nguồn vốn ODA. Tuyến đường này cùng với cầu vượt vịnh Rạch Giá sẽ khép kín tuyến ven biển liên vùng.
Với chiều dài đường bờ biển khoảng 200km và vùng biển rộng hơn 63.000km2, Kiên Giang là điểm cuối của đường bờ biển Việt Nam. Theo đó, đường bờ biển của Việt Nam bắt đầu tại cảng Núi Đỏ (Móng Cái, Quảng Ninh) và kết thúc tại cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang).
Vịnh Rạch Giá thuộc biển Tây, thông ra vịnh Thái Lan, có khí hậu ôn hòa, khá nông và đi qu các huyện Châu Thành, Hòn Đất, An Biên và TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Năm 2006, vịnh Rạch Giá đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.