Sau khi hoàn thành, sân bay này có thể đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị, địa phương này đã ký kết hợp đồng BOT với liên danh Công ty TNHH đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông T&T - CTCP Tập đoàn Cienco 4 và Công ty TNHH Cảng hàng không Quảng Trị (doanh nghiệp dự án PPP) để triển khai thực hiện sân bay.
>> Trong quý II và III/2024, sân bay lớn nhất Việt Nam dự định mời bao nhiêu gói thầu? 
Tỉnh Quảng Trị đang làm việc với liên danh nhà đầu tư, sẵn sàng các điều kiện, đặt mục tiêu khởi công sân bay  Quảng Trị trong tháng 6, đưa công trình vào khai thác vận hành năm 2026.
Sân bay Quảng Trị được thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Hiện nay, chính quyền huyện Gio Linh đang tích cực giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.
Dự án có quy mô trên 265ha, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn là hơn 5.800 tỷ đồng; được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Quảng Trị là một tỉnh nằm ở dải đất miền Trung Việt Nam, nơi chuyển tiếp giữa hai miền địa lý Bắc - Nam. Tỉnh nằm cách Thủ đô Hà Nội 593km về phía Nam, cách thành phố Đà Nẵng 178km về phía Bắc, có phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây giáp 2 tỉnh Savannakhet và Salavan của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phía Đông giáp biển Đông.
Do nằm ở vị trí chiến lược quan trọng nên Quảng Trị đã và đang giữ vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ và khai thác biển Đông, giao lưu giữa hai miền Bắc - Nam của đất nước cũng như lưu thông thuận lợi với các nước phía Tây bán đảo Đông Dương, các nước khác trong khu vực Đông Nam Á và thế giới qua cửa khẩu Lao Bảo - hành lang Quốc lộ số 9 ra cảng Cửa Việt.
>> Sẽ 'rót' hơn 420.000 tỷ đồng đầu tư các cảng hàng không trong giai đoạn 2021-2030