Tỉnh miền núi nghèo thành 'hiện tượng', loạt nông dân thành tỷ phú, triệu phú
Quyết định “đánh thức tiềm năng trên triền đất dốc” đưa Sơn La từ tỉnh miền núi nghèo trở thành “hiện tượng” nông nghiệp của cả nước. Ở đây, những người nông dân thu tiền tỷ nhờ làm nông nghiệp giờ rất dễ tìm.
Trồng cây ăn trái thành tỷ phú
"Hơn chục năm trở về trước, trên rẻo cao xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La ) vẫn còn là những nương ngô, nương mía. Thu nhập thấp lại bấp bênh, năm được năm mất nên cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Từ khi chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, sau mỗi mùa thu hoạch, cái ăn cái mặc được cải thiện, cuộc sống ngày càng sung túc".
Ông Nguyễn Hữu Tứ - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mé Lếch - hào hứng chia sẻ với PV. VietNamNet.
HTX Mé Lếch có 150ha trồng na dai, na hoàng hậu, na sầu riêng đang cho thu hoạch. Số diện tích này của 26 hộ thành viên. Các đồi na đều được lắp đặt camera giám sát, hệ thống tưới nước tự động điều khiển bằng app trên điện thoại thông minh.
Những năm gần đây, na trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ được các cửa hàng, siêu thị bao tiêu. Vụ vừa qua, sản phẩm của HTX còn bán cả trên sàn thương mại điện tử, TikTok Shop.
“Na được mùa lại được giá nên vụ vừa qua thu lãi cao lắm. Bà con miệt mài hái trái từ giữa tháng 7 Âm lịch tới giáp Tết Nguyên đán mới kết thúc vụ”, ông Tứ khoe và nhẩm tính sau khi trừ chi phí trung bình lãi khoảng 600 triệu đồng/ha. Riêng gia đình ông trồng 6ha nhưng chỉ có 3ha cho thu trái. Đến giữa tháng Chạp thu hoạch xong, ông cũng lãi tiền tỷ.
“Ở đây các hộ trồng cây ăn trái không còn bị đói nữa mà thành giàu có rồi". Ông nói và tiết lộ, trong HTX, hộ có diện tích nhỏ sẽ thu trên dưới 1 tỷ đồng, hộ trung bình 2-3 tỷ đồng/năm. Có vài hộ thành tỷ phú ở vùng cao này vì chỉ riêng trồng na năm nào cũng thu lãi tới 7-8 tỷ đồng/hộ.
Không chỉ na, dâu tây Sơn La cũng đang "hot". Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quý, cho biết HTX có 60ha dâu tây được trồng trên những triền đồi thoai thoải, trải rộng mênh mông. Dâu được thu hoạch từ tháng 11 kéo dài cho đến tháng 4 năm sau. Trái dâu chín đến đâu được người dân thu hái đóng hộp đến đó.
Giá mặt hàng này trên thị trường khá cao nên người trồng dâu thu lãi 300-400 triệu đồng/ha, ông Nam cho hay.
Anh Nguyễn Thạch Tùng Linh, Giám đốc doanh nghiệp chanh leo ngọt ở Mộc Châu (Sơn La), cũng tiết lộ, những hộ nông dân đang liên kết với công ty trồng chanh leo ngọt đều đặn mỗi năm thu lãi vài trăm triệu, thậm chí 2-3 tỷ đồng nếu trồng quy mô lớn.
Anh Linh cho biết, chanh leo ngọt là trái cây cao cấp, được đóng hộp bán với giá 250.000 đồng/hộp. Loại phổ thông 12-14 quả/kg anh đổ sỉ với giá 80.000 đồng/kg, loại Vip 8-10 quả/kg có giá 110.000 đồng/kg. Tất cả luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, khách phải “xếp hàng” chờ mua.
Theo anh, năng suất chanh leo vàng ngọt đạt 20-25 tấn/ha. Những năm vừa qua, giá doanh nghiệp thu mua của các hộ dân ở mức 40.000-50.000 đồng/kg nên bà con trồng chanh leo đều có thu nhập cao.
Không chỉ na, chanh leo hay dâu tây, ở huyện Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Thuận Châu (Sơn La), dứa Queen cũng phủ xanh những triền đồi dốc. Toàn bộ sản lượng dứa đều được Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) thu mua chế biến. Người trồng dứa có thể thu vài trăm triệu mỗi vụ.
Từ tỉnh trồng ngô sắn thành hiện tượng nông nghiệp
Giờ đây, tại tỉnh miền núi này, những triệu phú, tỷ phú nhờ trồng chanh leo, mận hậu, na, nhãn, dâu tây, xoài... ngày càng nhiều. Đổi thay cuộc đời của họ bắt đầu từ quyết định cách đây 7 năm.
Trước năm 2015, Sơn La nổi tiếng là tỉnh chỉ trồng ngô và sắn với câu ca “ngô leo lên núi, núi ngả cúi đầu”. Cái nghèo đói vẫn đeo bám cuộc sống người dân nơi đây.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất từng tâm sự, năm 2015, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Sơn La thực hiện bước chuyển lớn trong nông nghiệp: Trồng cây ăn quả trên đất dốc. Cùng với đó là quyết định hỗ trợ tiền cho người dân cải tạo vườn tạp.
Thời điểm ấy, tỉnh chỉ có khoảng 30.000ha cây ăn quả. Theo đó, mỗi mắt ghép trên cây ăn quả được hỗ trợ 12.000 đồng, mỗi hộ được hỗ trợ 15-16 mắt ghép. Trong 2 năm, có gần 90.000 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, số tiền hỗ trợ 18 tỷ đồng.
Chính sách “mồi” này mang lại hiệu quả rõ nét cho các vùng cây ăn quả. Người dân nắm vững kỹ thuật lai ghép, phân biệt các loại giống, hiểu quy trình sản xuất sạch, hữu cơ… Cán bộ khuyến nông được cử đi học tập những mô hình nông nghiệp hay ở các địa phương khác về truyền dạy lại cho người dân.
Không chỉ cải tạo vườn tạp thành vựa cây ăn quả theo quy mô hàng hoá, nguyên Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khi còn đương nhiệm kể: “Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đến nhờ tôi mời gọi các tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh. Đồng chí Bí thư nói, mấy ông đó lớn, khó mời lắm”. Nhìn thấy được tâm huyết của người lãnh đạo, ông liền giới thiệu để Bí thư gặp gỡ doanh nghiệp và mời gọi đầu tư.
Cứ thế, cùng với các chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp đầu ngành rủ nhau lên Sơn La xây dựng những nhà máy, trung tâm chế biến rau quả quy mô lớn, công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới.
Đơn cử, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau quả với công suất chế biến 10.000 tấn rau quả mỗi năm tại huyện Mộc Châu. Tập đoàn TH rót 2.300 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến rau quả hiện đại ở Vân Hồ. Doveco cũng đầu tư xây dựng trung tâm chế biến rau quả ở huyện Mai Sơn với quy mô dự kiến 50.000 tấn sản phẩm/năm...
Gần 10 năm sau quyết định “đánh thức tiềm năng trên triền đất dốc”, tổng diện tích cây ăn quả của Sơn La đạt gần 84.000ha; sản lượng quả đạt khoảng 453.600 tấn/năm. Con số này đưa Sơn La từ vị trí gần “chót bảng” vượt qua Tiền Giang (82.000ha) để trở thành “thủ phủ cây ăn quả” đứng đầu cả nước.
Sơn La cũng hình thành trung tâm chế biến rau quả lớn nhất Tây Bắc khi quy tụ hàng loạt doanh nghiệp và tập đoàn lớn. Theo thống kê, có gần 30% sản lượng quả tươi của tỉnh được đưa vào chế biến. Các sản phẩm ngoài tiêu thụ tại thị trường nội địa còn xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc...
Sơn La cũng nói không với “giải cứu” nông sản. Ở những vùng trồng cây ăn quả, người nông dân có thể thu tới 300-600 triệu đồng/ha, thậm chí có những cây ăn quả cho thu gần 1 tỷ đồng/ha (chưa trừ chi phí)… Nhiều hộ nông dân chỉ trồng nhãn hay xoài, na... mỗi năm cũng lãi tới cả chục tỷ đồng.
Giờ đây, khi nói tới Sơn La, không ít nhà lãnh đạo gọi tỉnh này là “hiện tượng nông nghiệp” của cả nước.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận xét, những năm vừa qua, Sơn La nổi lên như một thủ phủ nông nghiệp, trong đó có thành công của việc tái canh trên đất dốc.
Tỉnh tiếp tục thành công và đi đầu trong công tác xúc tiến thương mại cũng như hợp tác với nhiều doanh nghiệp để chế biến sâu các sản phẩm như hoa quả, cà phê... Đây là đòn bẩy giúp Sơn La quy tụ nông sản, tiếp tục thu hút doanh nghiệp lớn về tỉnh đầu tư nông nghiệp, Bộ trưởng nhìn nhận.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, tỉnh kiên định tổ chức chuỗi giá trị gắn kết từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến lớn. Đặc biệt, để thu hút doanh nghiệp về tỉnh đầu tư, Sơn La tập trung phát triển vùng nguyên liệu. Hình thành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là điều kiện tiên quyết để nông sản mang thương hiệu Sơn La có thể khẳng định chất lượng tại thị trường trong nước.
Sơn La từ chỗ không thu được 1 đồng ngoại tệ nào trong xuất khẩu nông sản thì vài năm gần đây mang về hàng trăm triệu USD. Xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La được dự báo sẽ sớm đạt 1 tỷ USD/năm, trở thành tỉnh giàu có, nông dân giàu có.
Từ tỉnh nghèo, Sơn La thành ‘hiện tượng nông nghiệp’ của cả nước