Tỉnh nằm ở 'đầu gối Trường Sơn, vai kề biên giới' chuẩn bị sáp nhập 1 huyện với 2 thị xã
Sau khi sắp xếp, tỉnh này sẽ có tổng cộng 10 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 3 thị xã và 6 huyện
Tại kỳ họp thứ 16 (chuyên đề) của HĐND tỉnh Bình Phước khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã thống nhất thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính  cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Cụ thể, tỉnh sẽ điều chỉnh một phần huyện Hớn Quản, bao gồm toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Tân Khai cùng 9 xã: An Phú, Minh Tâm, Minh Đức, Thanh Bình, Phước An, Tân Lợi, Tân Hưng, An Khương, Thanh An, nhập vào thị xã Bình Long nhằm mở rộng địa giới hành chính của thị xã này,
Phần còn lại của huyện Hớn Quản, gồm diện tích và dân số của các xã Đồng Nơ, Tân Hiệp và Tân Quan, sẽ được sáp nhập vào thị xã Chơn Thành để mở rộng địa giới hành chính thị xã Chơn Thành.
Bên cạnh đó, các đơn vị hành chính cấp xã cũng sẽ được sắp xếp lại để thành lập các phường và xã thuộc thị xã Bình Long và thị xã Chơn Thành sau khi mở rộng. Sau khi sắp xếp, thị xã Bình Long sẽ có diện tích tự nhiên 642,29km2 với dân số 162.417 người, bao gồm 16 đơn vị hành chính trực thuộc: 7 phường (Phú Đức, Hưng Chiến, An Lộc, Phú Thịnh, Thanh Phú, Thanh Bình, Tân Khai) và 9 xã (Thanh Lương, An Phú, Minh Tâm, Minh Đức, Phước An, Tân Lợi, Tân Hưng, An Khương, Thanh An).
Thị xã Chơn Thành sẽ có diện tích tự nhiên 538,21km2 với dân số 125.183 người, gồm 11 đơn vị hành chính trực thuộc: 5 phường (Minh Hưng, Minh Long, Thành Tâm, Hưng Long, Minh Thành) và 6 xã (Nha Bích, Minh Thắng, Minh Lập, Tân Quan, Tân Hiệp, Đồng Nơ).
Như vậy, sau khi sắp xếp, tỉnh Bình Phước sẽ có tổng cộng 10 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 3 thị xã và 6 huyện; 110 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 23 phường, 4 thị trấn và 83 xã.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - bà Trần Tuệ Hiền khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023-2025 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thực hiện theo chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Trung ương. Mục tiêu là tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, mở rộng không gian phát triển và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Theo bà Hiền, địa phương đã tích cực xây dựng đề án và đạt được sự đồng thuận cao từ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Kết quả lấy ý kiến cử tri tại các địa phương liên quan đều cho thấy sự đồng thuận cao, với trên 96% cử tri ủng hộ.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Bình Phước cũng đã thông qua hai nghị quyết chuyên đề: Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; và Nghị quyết thống nhất phương án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để đầu tư vào dự án hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu.
Những nghị quyết này đóng vai trò quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho công tác chỉ đạo và điều hành của chính quyền các cấp.
Tỉnh Bình Phước có vị trí chiến lược, phía Bắc giáp Đắk Nông, phía Nam giáp Bình Dương, phía Đông giáp Lâm Đồng và Đồng Nai, còn phía Tây giáp Tây Ninh. Nằm tại "đầu gối Trường Sơn, vai kề biên giới", Bình Phước có đường biên giới dài 258,939km tiếp giáp Campuchia ở phía Tây Bắc. Vì vậy, việc giữ gìn an ninh, ổn định chính trị - xã hội và bảo vệ vững chắc địa bàn luôn là nhiệm vụ trọng yếu, song hành cùng mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh.
Với diện tích tự nhiên 6.873,56 km2, Bình Phước là một trong những tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vị trí địa lý thuận lợi khi không xa TP.HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước – và có cửa khẩu giao thương với Campuchia, giúp Bình Phước có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế mạnh mẽ.
>> Doanh nghiệp bất động sản nào đang có hàng tồn kho lớn nhất hiện nay?