Tỉnh nhỏ thứ 2 Việt Nam sẽ lên TP trực thuộc Trung ương chuẩn bị đón 3 khu công nghiệp gần 14.000 tỷ
Trong thời gian tới, tỉnh này sẽ đón 3 khu công nghiệp với quy mô hàng nghìn tỷ đồng, từng bước thực hiện theo đúng định hướng phát quy hoạch của địa phương.
Theo quy hoạch tỉnh Hà Nam, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương , đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao của Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Đi theo định hướng này, tỉnh Hà Nam đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp khi hình thành các khu công nghiệp mới. Theo báo Lao Động, trong thời gian tới tỉnh Hà Nam sẽ ưu tiền đầu tư hạ tầng kỹ thuật 3 khu công nghiệp với tổng mức đầu tư khoảng 13.800 tỷ đồng. 3 khu công nghiệp này là: Khu công nghệ cao Hà Nam; dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Kim Bảng I; dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III.
Dự án Khu Công nghệ cao Hà Nam tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam có quy mô khoảng 663ha, tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỷ đồng. Dự án sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các phân khu chức năng của khu công nghệ cao với trọng tâm là các dự án thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện tử - bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới...
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Kim Bảng I, tỉnh Hà Nam đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2023. Dự án có quy mô sử dụng đất là 230ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.653 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 400 tỷ đồng. Khu công nghiệp sẽ được xây dựng trên địa bàn các xã Lê Hồ, Đại Cương và Đồng Hóa của huyện Kim Bảng. Nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Phát triển Khu công nghiệp Kim Bảng.
Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III, tỉnh Hà Nam có tổng vốn đầu tư là 348,041 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất là 223ha, thực hiện trên địa phận các phường Yên Bắc, Tiên Nội, Hòa Mạc, các xã Tiên Ngoại, Yên Nam và thị xã Duy Tiên, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco.
Tại dự thảo hồ sơ quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có, tỉnh Hà Nam dự kiến sẽ thành lập 14 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng gần 3.500ha, thành lập mới 14 cụm công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 805ha.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp và giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tỉnh Hà Nam trong thời gian tới sẽ huy động các nguồn lực tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng logistics, các công trình, dự án giao thông kết nối khu công nghiệp, hạ tầng cảng thủy nội địa.
Tỉnh Hà Nam có diện tích tự nhiên là 861,93km2, đây là tỉnh nhỏ thứ 2 Việt Nam (sau tỉnh Bắc Ninh 822,71km2). Hà Nam có 6 đơn vị hành chính cấp huyện và cũng là tỉnh có ít đơn vị hành chính cấp huyện nhất cả nước gồm: Thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên, huyện Kim Bảng, huyện Thanh Liêm, huyện Lý Nhân, huyện Bình Lục.
>> Luật Đất đai 2024 thực thi, người bị thu hồi đất được nhận bồi thường bằng 4 hình thức
Các khu công nghiệp phía Bắc bất ngờ ‘đi đầu’ trong ngành công nghiệp bán dẫn 
Bộ Xây dựng nói gì về dự án khu công nghiệp hơn 4.000 tỷ đồng của 'ông lớn' Phát Đạt?