Tỉnh ở trung du sẽ lên TP trực thuộc Trung ương chi trăm tỷ cho tuyến đường nối đến Di tích quốc gia đặc biệt
Dự án nối đến Di tích quốc gia đặc biệt này có tổng vốn đầu tư 302 tỷ đồng và đang trong quá trình triển khai, thực hiện giải phóng mặt bằng.
Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Km31 (Quốc lộ 3) đến Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa hướng đến mục tiêu phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt  ATK Định Hóa, phát triển du lịch, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng ATK Định Hóa và tạo liên kết với Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang.
Dự án đi qua 4 xóm của xã Bình Yên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và được tỉnh Thái Nguyên thông qua với tổng vốn đầu tư là 302 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2025, được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là thi công xây dựng phần tuyến đoạn Km 21+231,5 - Km33+600, khởi công từ tháng 10/2021. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư.
Hiện tại, tỉnh Thái Nguyên đang tiến hành công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên , tính đến nay tổng kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng đã phê duyệt là 13,480 tỷ. Trong đó, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng đã chi trả cho dân là 13,200 tỷ, đạt 97.9%.
Tuy nhiên, dự án hiện tại vẫn còn vướng mắc vấn đề giải phóng mặt bằng khi vẫn còn 2 hộ/769 hộ chưa nhất trí bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, một phần đất cần giải phóng mặt bằng lại nằm trong quy hoạch rừng và vướng mắc vấn đề chuyển đổi đất rừng.
Với giai đoạn 2, dự án sẽ được thi công trên Km18+500 đến Km21+231,5 (Đoạn Km0+200 - Km2+950 DT264B) dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 26/12/2024 và triển khai trong thời gian 270 ngày. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã thông báo khởi công và triển khai hiện trường từ tháng 01/2024.
Hiện tại, chủ đầu tư đã phối hợp với Ban giải phóng mặt bằng địa phương bàn giao mặt bằng cho nhà thầu bao gồm đất thu hồi của dân và đất giao thông, đất công. Thời gian tới, chủ đầu tư cùng các nhà thầu tiếp tục khắc phục những khó khăn, vướng mắc về thủ tục chuyển đổi đất rừng và di chuyển công trình công cộng là đường điện trung thế, hạ thế nằm dọc hai bên đường trong phạm vi thi công nhằm đảm bảo thi công theo đúng tiến độ đã đề ra.
Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2050 đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước. Thái Nguyên cũng là địa phương đầu tiên và duy nhất của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ được định hướng quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương.