Tỉnh rộng nhất miền Bắc đưa điểm săn mây nổi tiếng thành khu du lịch quy mô 13.000ha
Tổng diện tích quy hoạch của khu đô thị này là 13.000ha với quy mô dân số khoảng 12.000 người.
Theo báo Lao Động, UBND tỉnh Sơn La  vừa phê duyệt đồ án Quy hoạch chung Khu du lịch Tà Xùa và các vùng phụ cận, huyện Bắc Yên.
Khu du lịch Tà Xùa cùng các vùng phụ cận thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, được quy hoạch với tổng diện tích khoảng 13.000ha, quy mô dân số khoảng 12.010 người. Phạm vi và ranh giới quy hoạch bao gồm toàn bộ xã Tà Xùa, các bản Háng Đồng và Chống Tra (xã Háng Đồng); các bản Cáo A, Háng Cao, và Trang Dua Hang (xã Làng Chếu); các bản Háng Chơ, Sồng Chống, và Xím Vàng (xã Xím Vàng); cũng như các bản Phiêng Ban và Tam Hợp (xã Phiêng Ban).
Quy hoạch được thiết lập với tầm nhìn dài hạn đến năm 2045, trong đó giai đoạn ngắn hạn kéo dài đến năm 2030. Đây là bước đi cụ thể hóa Quy hoạch  tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời hiện thực hóa Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.
Mục tiêu của quy hoạch không chỉ nhằm phát triển Tà Xùa thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, mà còn đưa nơi đây thành điểm kết nối trung tâm, liên kết du lịch giữa Sơn La và các tỉnh lân cận như Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, và Điện Biên. Quy hoạch cũng hướng đến việc quản lý hiệu quả đất đai, trật tự xây dựng, thu hút các dự án đầu tư xây dựng, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Tà Xùa (Sơn La) là một xã vùng cao giáp ranh huyện Trạm Tấu (Yên Bái), nằm ở độ cao hơn 2.800m so với mực nước biển. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, với nhiệt độ mùa hè không vượt quá 28°C và mùa đông thường thấp hơn khu vực đồng bằng từ 3-6°C. Với vẻ đẹp hoang sơ cùng trải nghiệm săn mây độc đáo, Tà Xùa đã trở thành một địa danh du lịch, săn mây nổi tiếng không chỉ của tỉnh Sơn La mà còn trong toàn khu vực Tây Bắc.
Với diện tích tự nhiên lên tới hơn 14.000km2, Sơn La là tỉnh rộng nhất miền Bắc, lớn thứ ba ở Việt Nam. Sơn La giáp ranh với các tỉnh Yên Bái, Điện Biên và Lai Châu về phía Bắc; tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ ở phía Đông; Thanh Hóa ở phía Nam. Xếp sau đó là Điện Biên (hơn 9.500km2), Lai Châu (hơn 9.000km2).
>> Trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ sẽ hình thành khu du lịch sinh thái quy mô hơn 2.800ha
Băng rừng nguyên sinh đẹp ma mị, săn mây trên đỉnh núi cao ở Sơn La 
Công bố lộ trình triển khai và chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên