'Vựa lúa' lớn nhất miền Bắc sắp đón 'cỗ máy nhiệt điện' 2 tỷ USD với sản lượng gấp 1,6 lần thủy điện Sơn La
Tỉnh được xem là 'vựa lúa' lớn nhất miền Bắc sắp được chi 2 tỷ USD để đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện LNG, có sản lượng điện cao gấp 1,6 lần nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam.
Tháng 12/2023, tại Diễn đàn kinh tế doanh nghiệp đầu tư ASEAN - Nhật Bản, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình - ông Ngô Đông Hải đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Thái Bình cho liên danh 3 nhà đầu tư gồm: Tokyo Gas, TTVN Group và Kyuden.
Theo đó, Dự án Nhiệt điện LNG Thái Bình có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD với tổng công suất thiết kế 1.500MW (bao gồm 2 tổ máy sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp có hiệu suất cao nhất hiện nay). Nhiên liệu sử dụng chính là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
>> HoREA đề xuất phương thức tính Bảng giá đất mới tại TP. HCM 
Dự án được triển khai xây dựng tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy (gần với Khu du lịch sinh thái biển Cồn Đen).
Sau khi đi vào vận hành, dự kiến dự án này sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 10 tỷ kWh mỗi năm, cao gấp 1,6 lần Nhà máy Thủy điện Sơn La - Nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam.
Lượng điện mà "cỗ máy nhiệt điện" LNG Thái Bình cung cấp đủ cho cả nước dùng trong 10 ngày cao điểm (đỉnh điểm năm 2024, cả nước tiêu thụ 1,025 tỷ kWh).
Dự án Nhiệt điện LNG Thái Bình được đánh giá là dự án lớn, mang tầm vóc quốc gia; nằm trong các danh mục dự án nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện thuộc Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đóng vai trò quan trọng trong việc cam kết dịch chuyển năng lượng xanh, sạch của Chính phủ.
Dự kiến, dự án sẽ được khởi công trong quý III/2025 và vận hành thương mại trước năm 2030.
Theo ước tính, sau khi đi vào vận hành, trung bình mỗi năm nhà máy sẽ nộp thuế hơn 4.000 tỷ đồng vào ngân sách. Con số này gần bằng với mức nộp thuế của Nhà máy VinFast trong giai đoạn sản xuất xe xăng (5.000 tỷ).
Tương lai khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao quy mô kinh tế của tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm; đóng góp quan trọng vào việc chuyển đổi kinh tế của Thái Bình theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo sức bật hút đầu tư của tỉnh, đóng góp lớn vào an ninh và năng lượng quốc gia.
Thời điểm hiện tại, khu đất dự kiến xây dựng Nhà máy Nhiệt điện LNG Thái Bình chủ yếu là đất ruộng, đất trồng hoa màu của người dân tại địa phương.
Nhà máy Nhiệt điện LNG Thái Bình trong tương lai sẽ nằm dọc trên tuyến đường bộ ven biển hiện đang được xây dựng. Tuyến đường có chiều dài 550km, nối từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
Thái Bình được ví von là "vựa lúa" của miền Bắc khi có truyền thống phát triển nông nghiệp lâu đời nhờ phù sa bồi đắp từ 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Trà Lý.
Hiện nay, Thái Bình đã và đang đi theo hướng của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với định hướng phát triển công nghiệp là động lực; tương lai trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của cả Vùng ĐBSH.
Tập đoàn Sơn Hải quyết tâm đưa dự án 25.000 tỷ thành cao tốc vượt núi đẹp nhất Việt Nam 
Bóng bàn CAND - T&T về nhất toàn đoàn với 14 huy chương vàng giải trẻ quốc gia